Tháng 1-2008, ông T. ngụ quận Bình Thạnh cho Công ty Phú Khang thuê 1.000 m2 đất trong 10 năm với giá thuê 20 triệu đồng/tháng. Cùng năm này, ông T. tặng cho ông H. phần đất trên. Sau đó, ông H. bán đất cho Công ty Thiên Hương và công ty này đã được cấp giấy đỏ.
Công ty Thiên Hương khởi kiện đòi Công ty Phú Khang trả lại phần đất đang thuê. Công ty Phú Khang thì yêu cầu Công ty Thiên Hương bồi thường thiệt hại do hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn, đồng thời cũng yêu cầu tòa định giá lại phần đã đầu tư xây dựng trên đất...
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2011, TAND quận Bình Thạnh đã buộc Công ty Phú Khang trả phần đất đang thuê cho Công ty Thiên Hương. Tòa không xét yêu cầu đòi định giá lại phần đầu tư xây dựng trên đất và bồi thường thiệt hại do hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn của Công ty Phú Khang mà dành quyền khởi kiện trong một vụ án khác.
Công ty Phú Khang kháng cáo. VKS TP.HCM cũng kháng nghị cho rằng Công ty Thiên Hương không có quyền khởi kiện vì giữa hai bên không phát sinh quan hệ cho thuê đất. Từ đó, VKS TP đã đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.
Theo tòa phúc thẩm, Điều 712 BLDS quy định khi thời hạn cho thuê đất đang còn, bên cho thuê có quyền chuyển nhượng cho người khác nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng phải báo cho bên thuê biết để bên thuê thực hiện nghĩa vụ với bên nhận chuyển nhượng. Việc Công ty Thiên Hương nhận chuyển quyền sử dụng đất mà Công ty Phú Khang đang thuê là hợp pháp nên có quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng cho thuê đối với phần đất đã chuyển nhượng. Công ty Thiên Hương không tranh chấp tiền thuê mặt bằng hằng tháng, không làm ảnh hưởng quyền lợi của Công ty Phú Khang nên không cần thiết phải báo cho bên thuê biết. Hơn nữa, căn cứ vào các chứng cứ trong hồ sơ thì Công ty Phú Khang đã biết phần đất đang thuê đã được chuyển nhượng cho người khác.
Tòa phúc thẩm xét thấy Công ty Phú Khang có yêu cầu định giá lại phần đầu tư xây dựng trên đất nhưng TAND quận Bình Thạnh không giải quyết, không cho nộp tạm ứng án phí là đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Phú Khang. Hơn nữa, yêu cầu này cũng không thể tách ra để giải quyết trong một vụ án khác mà phải giải quyết trong cùng vụ án này mới đảm bảo việc xét xử được triệt để. Tại phiên phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận được việc cấn trừ tiền thuê nhà, tiền bồi thường thiệt hại nên cấp phúc thẩm không thể khắc phục được...
PHƯƠNG LOAN