Án cuồng yêu: Cái sảy nảy cái ung

Phải tích cực ngăn ngừa

Án cuồng yêu: Cái sảy nảy cái ung ảnh 1
Số lượng án hình sự, đặc biệt là án cố ý gây thương tích, giết người đang gia tăng. Mặc dù các cơ quan pháp luật đã tích cực xử lý và luật hình sự cũng có những mức hình phạt cao dành cho kẻ phạm tội nhưng lượng án trên vẫn không giảm. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu kiềm chế, ý thức chấp hành pháp luật kém, coi thường mạng sống của người khác.

Chính vì thế, việc phòng ngừa tội ác phải được cả xã hội lẫn các cơ quan chức năng tích cực xem xét, tìm ra những biện pháp tích cực. Đã đến lúc các cơ quan pháp luật không thể chỉ chạy theo vụ việc, án xảy ra thì điều tra, truy tố và xét xử mà cần tìm nguyên nhân, giải pháp kéo giảm tội phạm.

Hiện nay, việc xét xử lưu động để qua đó tuyên truyền pháp luật sâu rộng của ngành tòa án chưa đạt hiệu quả cao. Cạnh đó, vai trò hòa giải của cấp cơ sở cũng chưa được phát huy đúng mức. Có những vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong nội bộ gia đình nhưng không được quan tâm, hòa giải sớm để rồi tích tụ lâu ngày gây ra án mạng. Trước đây, ban hòa giải phường, xã làm rất tốt công tác này nhưng dần dà sút giảm. Ở các địa phương, nơi có ban này, nơi không và mạnh ai nấy làm nên được chăng hay chớ.

Án cuồng yêu: Cái sảy nảy cái ung ảnh 2

Một phiên xét xử lưu động về tội cố ý gây thương tích tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ngoài ra, Nhà nước cũng chưa thật sự chú trọng công tác giáo dục, tạo công ăn việc làm cho những người phạm tội sau khi chấp hành xong án trở về để ngăn họ không trở thành những kẻ côn đồ, hung hãn tái phạm. Bởi lẽ sự quẫn bách về kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân làm con người khi gặp những va chạm nhỏ trong cuộc sống dễ bị ức chế rồi có những cách cư xử sai trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Kiểm sát viên cao cấp NGUYỄN THANH SƠN, Viện Phúc thẩm III, VKSND Tối cao

Án không phức tạp thì đừng kéo dài

Án cuồng yêu: Cái sảy nảy cái ung ảnh 3
Tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, nhiều vụ án đau lòng xuất phát từ việc “tự xử” do bế tắc trong hôn nhân, tình cảm và trong lối sống. Tuy từng ngành như tòa, viện, công an đều có những khảo sát, đánh giá về loại tội phạm này để định hướng đường lối xử lý nhưng hệ thống các cơ quan pháp luật chưa có sự tổng hợp để đưa ra giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi.

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, có lẽ không gì khác hơn là nền tảng giáo dục, trách nhiệm ý thức công dân từ ghế nhà trường. Lưu ý vậy vì có vẻ như chúng ta dạy chữ “mạnh” hơn là dạy làm người khiến nhiều em chưa biết nhiều về lễ giáo, nhân nghĩa. Thêm vào đó, cộng đồng phải biết cư xử với nhau tử tế, luôn đề cao lợi ích tập thể và của những người xung quanh. Vai trò của các đoàn thể trong việc cùng nhau giảm trừ cái ác cũng cần được đề cao và phát huy.

Có một câu hỏi từ dư luận mà theo tôi là rất đúng đắn, đó là có những vụ án không quá phức tạp và đã rõ ràng, hung thủ hoặc đã bị bắt, hoặc đã ra đầu thú và đã khai nhận toàn bộ hành vi, người bị hại cũng đã được xác định nhưng việc khởi tố, truy tố, xét xử còn chậm quá. Lẽ ra phải xử ngay theo thủ tục rút gọn để xã hội cảm thấy yên tâm và những kẻ có mưu đồ gian ác phải biết khiếp sợ thì các cơ quan pháp luật do thiếu sự phối hợp nên đã để rất lâu. Bên cạnh đó, một số tờ báo vì lý do giật gân, câu khách đã đào sâu, chi tiết hóa cách gây án, thêm thắt tình tiết khiến một số người hiểu biết còn hạn chế khi rơi vào những hoàn cảnh nhất định có thể bắt chước thực hiện cái ác.

Thẩm phán VƯƠNG VĂN NGHĨA, Tòa Hình sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN ghi

Không thể để pháp luật yếu thế hơn bạo lực

Lúc đầu tôi rất căm ghét phụ nữ có hành vi lột quần áo tình địch giữa đường ở Bình Dương. Tuy biết chị này học ít, giận quá mất khôn nhưng tôi không thể nào chấp nhận một kiểu hành xử kém văn minh như thế. Thế nhưng sau khi biết chị ấy đã nhiều lần đi “tố” chồng bạo hành và tằng tịu với người khác mà không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý rốt ráo thì suy nghĩ của tôi có khác trước. Tất nhiên người đó vẫn là sai mười mươi rồi nhưng phải chăng việc xử lý chưa rốt ráo các tranh chấp của chính quyền đã làm giảm sút hoặc mất lòng tin của những người liên quan để rồi người ta phải dùng bạo lực cho hiệu quả hơn?

Thông qua những vụ án phát sinh từ mâu thuẫn tình cảm, gia đình xảy ra gần đây, có thể nhận thấy nguyên nhân chính của thực trạng bạo lực gia tăng nằm ở chỗ ý thức pháp luật của bản thân công dân. Các đối tượng hoặc không còn sợ pháp luật như là một công cụ của chế tài, hoặc không còn tin pháp luật có thể tham gia giải quyết các hành vi vi phạm.

Ông bà ta vẫn nói: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Đành rằng chúng ta vẫn đang phòng ngừa tội phạm thông qua hoạt động phát hiện và xử lý tội phạm. Song như thế vẫn chưa ổn, vẫn chưa đủ sức ngăn chặn cái ác. Muốn phòng, chống hữu hiệu hơn thì xin đừng tiếp tục đổ lỗi “trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế” nữa. Chính các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động cải tiến hoạt động của mình, phải chấm dứt sự quan liêu, cửa quyền, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ để số đông thay vì chọn bạo lực sẽ luôn biết chọn phương thức đúng đắn cho việc đi đòi lẽ phải, công bằng.

Luật gia ĐÀM VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm