Theo một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hồi tháng 7-2009 của TAND tỉnh Đồng Nai, Công ty T. phải trả cho một ngân hàng hơn 7 tỉ đồng (chưa tính lãi) và trả cho bà L. 2 tỉ đồng (chưa tính lãi). Quyết định còn ghi tài sản bảo đảm thi hành án (THA) là tài sản thế chấp (nhà xưởng, máy móc, thiết bị của Công ty T.) và tài sản bảo lãnh (hai mảnh đất, một do vợ chồng giám đốc Công ty T. đứng tên, một do cá nhân vợ giám đốc Công ty T. đứng tên). Sau khi ưu tiên trả nợ ngân hàng, còn lại mới thanh toán cho bà L…
Tòa giải thích xong rồi thu hồi
Khi tổ chức THA, chấp hành viên (CHV) Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai không kê biên tài sản thế chấp (nhà xưởng, máy móc, thiết bị của Công ty T.) mà chỉ kê biên tài sản bảo lãnh (hai mảnh đất của vợ chồng giám đốc Công ty T.).
Vợ giám đốc Công ty T. khiếu nại rằng mảnh đất đứng tên bà chỉ dùng bảo đảm khoản vay của Công ty T. với ngân hàng. Bản thân bà không nợ bà L. nên việc bán đất của bà để THA cho cả bà L. nữa là sai. Từ đó, vợ giám đốc Công ty T. yêu cầu CHV có văn bản hỏi tòa cho rõ việc này. CHV từ chối nên vợ giám đốc Công ty T. đã yêu cầu tòa giải thích nội dung quyết định công nhận sự thỏa thuận.
Tháng 4-2016, thẩm phán giải quyết vụ việc có văn bản giải thích: Thứ nhất, hai mảnh đất được vợ chồng giám đốc Công ty T. dùng để bảo lãnh cho công ty vay tiền ngân hàng nên chỉ bảo đảm thanh toán nợ cho ngân hàng. Nếu vợ chồng giám đốc Công ty T. đã trả xong cho ngân hàng theo trị giá bảo lãnh trong hợp đồng thì hai mảnh đất này sẽ được giải chấp theo quy định của pháp luật. Thứ hai, đối với khoản nợ của bà L. thì đây là khoản nợ riêng mà Công ty T. có trách nhiệm thanh toán cho bà L.
Về nội dung “sau khi phát mại tài sản thế chấp ưu tiên thanh toán nợ cho ngân hàng, còn lại mới bảo đảm thanh toán khoản nợ cho bà L.” trong quyết định, văn bản này giải thích: Tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay gồm nhà xưởng, máy móc, thiết bị của công ty; nếu công ty không thanh toán được nợ thì chính các tài sản này sẽ được phát mại và ưu tiên thanh toán cho ngân hàng trước, còn lại mới bảo đảm thanh toán cho bà L. Còn tài sản bảo lãnh là hai mảnh đất không phải là tài sản của công ty thì phải thực hiện theo giải thích ở phần trên.
Vợ giám đốc Công ty T. nộp văn bản giải thích của tòa cho Cục THA dân sự tỉnh. Nhưng gần hai tháng sau, TAND tỉnh ra thông báo thu hồi văn bản giải thích này với lý do “sau khi nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật thì thấy trên thực tế Cục THA tỉnh đang thi hành quyết định nên việc giải thích là không phù hợp”.
Tòa có quyền giải thích
Trao đổi với chúng tôi, thẩm phán giải quyết vụ việc cho biết văn bản giải thích do ông ký nhưng quyết định thu hồi do lãnh đạo tòa ký. Từ đó, ông đề nghị chúng tôi liên hệ với lãnh đạo tòa.
Ngày 2-11, bà Bùi Kim Rết (Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh Đồng Nai, người được lãnh đạo tòa ủy quyền phát ngôn) đã gửi cho chúng tôi văn bản trả lời. Theo văn bản này, sau khi ban hành công văn giải thích, tòa đã kiểm tra lại các quy định của pháp luật (văn bản không trích dẫn quy định nào - NV) thì thấy thực tế quyết định trên đang được thi hành. Vì thế việc giải thích quyết định là không phù hợp với trình tự, quy định của pháp luật. Bởi quyết định công nhận hòa giải thành đang được THA và nếu việc THA có vướng mắc gì thì THA sẽ là cơ quan yêu cầu tòa giải thích. Còn nếu vợ giám đốc Công ty T. không đồng ý với quyết định thì có quyền làm đơn yêu cầu tòa cấp trên xem xét theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nếu không đồng ý với việc THA thì có quyền khiếu nại cơ quan THA...
Về mặt pháp lý, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét lý do tòa đưa ra để thu hồi văn bản giải thích là không ổn.
Thứ nhất, không có quy định nào hạn chế quyền và giới hạn thời điểm giải thích bản án, quyết định của tòa. Không có quy định nào nói nếu cơ quan THA đang thi hành thì tòa không được giải thích án. Thứ hai, Điều 382 BLTTDS quy định người được THA, người phải THA, người liên quan đến việc THA và cơ quan THA dân sự có quyền yêu cầu bằng văn bản để tòa giải thích những điểm chưa rõ trong bản án để thi hành. Trong thời hạn 15 ngày, tòa phải có văn bản giải thích và gửi cho người có yêu cầu cùng các bên liên quan... Thứ ba, Điều 179 Luật THA dân sự cũng quy định tòa có trách nhiệm giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ...
Đồng tình, luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Điều 240 BLTTDS cho phép tòa sửa chữa, bổ sung bản án. Điều 1 Thông tư liên tịch số 14-2010 (hướng dẫn về THA) cũng quy định: Văn bản trả lời của tòa là căn cứ để cơ quan THA ra quyết định THA, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định THA đã ban hành… Như vậy nếu tòa giải thích rồi rút lại thì không bảo đảm ý nghĩa trên và tính khách quan của cơ quan xét xử. Vợ giám đốc Công ty T. có quyền khiếu nại giám đốc thẩm xin hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận vì nội dung không rõ, khiến quá trình THA gây thiệt hại đến quyền lợi của bà.
VKSND Tối cao thụ lý đơn tố cáo Sau khi TAND tỉnh Đồng Nai thu hồi văn bản giải thích, Cục THA dân sự tỉnh đã xử lý mảnh đất đứng tên vợ giám đốc Công ty T. để THA chung cho ngân hàng và bà L. Vợ giám đốc Công ty T. nhiều lần khiếu nại nhưng Cục THA không chấp nhận và đã tổ chức bán đấu giá mảnh đất vào ngày 13-10-2016. Mới đây Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý đơn tố cáo của vợ giám đốc Công ty T. và có giấy mời đến làm việc về các nội dung liên quan… |