Ấn Độ điều máy bay đối phó Trung Quốc

Phương thức hành động của Trung Quốc là từ biển Đông mở rộng ra Ấn Độ Dương để chiếm lĩnh hành lang chiến lược có 50% trọng tải tàu thuyền thương mại quốc tế qua lại.

GS Brahma Chellaney ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi (Ấn Độ) tiếp tục gióng hồi chuông báo động về mưu đồ bành trướng của Trung Quốc trong bài viết đăng trên báo Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 19-1.

GS Brahma Chellaney ghi nhận xảy ra nhiều sự kiện minh chứng cho mưu đồ này. Ví dụ:

- Hơn hai năm qua ở biển Đông, Trung Quốc đã tôn tạo bảy đảo nhân tạo đồng thời đòi chủ quyền đối với các đảo và vùng biển lân cận. Khi xây dựng cơ sở quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc dự định đóng chốt ngay cửa ngõ Ấn Độ Dương.

- Tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên xâm nhập gần quần đảo Andaman & Nicobar của Ấn Độ. Trang web quốc phòng Sina Military ở Bắc Kinh xác nhận năm ngoái có 10 tàu ngầm Trung Quốc có thể bao vây bờ biển phía đông và phía tây Ấn Độ.

- Trung Quốc đã xây dựng đội tàu ngầm không chỉ hoạt động thích hợp ở vùng biển ít sâu ở Đông Nam Á mà còn ở vùng biển sâu Ấn Độ Dương. Chính vì thế Trung Quốc mới lập căn cứ đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti (vùng Sừng châu Phi) giáp Ấn Độ Dương song song với xây dựng căn cứ hải quân ở Gwadar (Pakistan).

Ấn Độ triển khai máy bay tuần tra P-8I đến quần đảo Andaman & Nicobar. Ảnh: GLOBAL MILITARY REVIEW

GS Brahma Chellaney đánh giá nguy cơ lâu dài đối với Ấn Độ chính là Trung Quốc có thể sẽ phối hợp với đồng minh Pakistan bao vây Ấn Độ trên bộ và trên biển.

Sau khi bí mật chuyển cho Pakistan vũ khí hạt nhân, tên lửa và công nghệ máy bay không người lái, Trung Quốc đã công khai thỏa thuận gia tăng gấp đôi tiềm lực tàu ngầm của Pakistan qua hợp đồng bán cho Pakistan tám tàu ngầm.

GS Brahma Chellaney đã đề nghị ASEAN và các cường quốc trong khu vực như Nhật và Ấn Độ cần phát triển một chiến lược chung để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông trong khuôn khổ châu Á.

Trong khi đó, báo The Times of India (Ấn Độ) đưa tin Ấn Độ đã triển khai hai máy bay tuần tra/chống ngầm tiên tiến nhất Poseidon 8I và máy bay không người lái Searcher-II (Israel sản xuất) đến quần đảo Andaman & Nicobar (cách lục địa Ấn Độ 1.200 km).

Báo dẫn nguồn từ quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết đây là động thái nhằm đối phó với tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên xâm nhập ở Ấn Độ Dương.

Trên quần đảo có 3.000 binh sĩ, 20 tàu chiến nhỏ và tàu tuần tra, một ít trực thăng Mi-8 và máy bay tuần tra Dornier-228.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 19-1 ghi nhận Ấn Độ là khách hàng quốc tế đầu tiên ký hợp đồng mua của Mỹ tám máy bay P-8I trị giá 2,1 tỉ USD vào đầu năm 2009.

P-8I là mẫu xuất khẩu của máy bay Poseidon P-8A do hãng Boeing thiết kế và chế tạo. Chiếc đầu tiên được bàn giao vào tháng 5-2013. Hiện nay tám máy bay P-8I đều được chuyển cho hải quân.

Đến tháng 7-2015, Ấn Độ thông báo tiếp tục mua thêm bốn máy bay P-8I của Mỹ.

Ngày 17-1, trả lời báo Financial Times (Anh), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Nhật rất quan tâm đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông và âm mưu khai thác tài nguyên trên biển Hoa Đông. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối điều này. Hai ngày sau, tại hội thảo do hãng tin Kyodo (Nhật) tổ chức tại Tokyo, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Trình Vĩnh Hoa phát biểu Nhật và Trung Quốc phải xem nhau như đối tác chứ không phải mối đe dọa. Ông cho rằng áp dụng chính sách ngăn cản ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc là sai lầm.

___________________________________

Biển Đông đã trở thành đối tượng chủ yếu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương và khu vực rộng lớn hơn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bắc Kinh xem biển Đông như bãi thử nghiệm để thay đổi bản đồ hàng hải thế giới.

Báo Ấn Độ Hindustan Times

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới