An Giang: Bốn vấn đề nổi cộm về đất đai

Ngày 10-4, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp báo, công khai những sai phạm về quản lý, sử dụng đất. Có bốn nội dung nổi cộm được đề cập gồm: Chuyên án điều tra, xử lý vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất tại TP Long Xuyên; quản lý và sử dụng đất bãi bồi; việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất giai đoạn 2001-2010 và việc quản lý, sử dụng đất, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại núi Cấm.

Sai phạm về đất đai

Theo UBND tỉnh An Giang, TP Long Xuyên để xảy ra rất nhiều sai phạm về đất đai. Trong năm dự án sử dụng vốn ngân sách đầu tư tại Long Xuyên thì có đến bốn dự án có sai phạm. Cụ thể, ở dự án khu dân cư Tây Khánh 3 mở rộng, UBND TP Long Xuyên duyệt cho chuyển mục đích sử dụng đất nằm trong quy hoạch. Tương tự, UBND TP Long Xuyên cho chuyển mục đích và cấp sổ đỏ cho 6.692 m2 đất ở dự án khu dân cư Xẻo Trôm 5 trái luật, làm thiệt hại ngân sách trên 1,1 tỉ đồng. Sai phạm còn diễn ra ở dự án khu dân cư Tân Phú (phường Mỹ Phước), dự án Trường Dân tộc nội trú tỉnh.

An Giang: Bốn vấn đề nổi cộm về đất đai ảnh 1

Rất đông người khiếu kiện về đất đai tập trung trước trụ sở UBND tỉnh An Giang ngày 10-4. Ảnh: VĨNH SƠN

Nóng bỏng hơn là vấn đề hình thành hàng loạt khu dân cư trái phép tại Long Xuyên. Có 25 khu do tập thể cán bộ, công chức của một số cơ quan cấp tỉnh, thành phố, phường hợp tác tạo quỹ đất hoặc do các cá nhân tự sang nhượng hay tự đầu tư hạ tầng trên đất sẵn có khoảng 26,3 ha. Trong đó, có 13 khu do tập thể đầu tư nhưng chỉ có ba khu được UBND tỉnh cho chủ trương. Kế đến là 40 điểm dân cư nằm rải rác trong các khu dân cư hiện hữu, do các hộ gia đình, cá nhân thực hiện. Cơ quan điều tra đã khởi tố 11 bị can (trong đó có 10 cán bộ).

Một điểm nóng khác là tại khu du lịch Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Theo UBND tỉnh, do địa phương quản lý lỏng lẻo và yếu kém nên dân số trên núi Cấm tăng cao; một số cán bộ lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo đã cho xây, cất nhà trái phép. Có đến 207 trường hợp xây dựng không phép, trái phép đến nay chưa xử lý dứt điểm; 362 hộ được cấp hộ khẩu thường trú trái với chỉ thị của UBND tỉnh. Cũng trên núi Cấm còn tồn tại việc bố trí nền tái định cư ở vực sâu hoặc những tảng đá khổng lồ. Thu hồi đất dân với giá rẻ mạt và cho thuê kiosque để kinh doanh tại khu dịch vụ hành hương 2 với giá cắt cổ... Đất bãi bồi ở An Giang cũng có hàng loạt sai phạm.

Buông lỏng quản lý

Ông Trần Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên, nhìn nhận: Các sai phạm này diễn ra chủ yếu từ năm 2005-2010, năm 2011 mới phát hiện. “Chuyện buông lỏng quản lý là quá rõ ràng. Hậu quả đau lòng của việc hình thành các khu dân cư trái phép là việc phá vỡ quy hoạch xây dựng đô thị, sử dụng đất của Long Xuyên. Nhất là hạ tầng khu dân cư chưa biết giải quyết thế nào” - ông cho biết.

Báo chí đặt vấn đề: Vì sao có dư luận cho rằng ông Phan Huỳnh Sơn có dấu hiệu liên quan đến sai phạm đất đai tại Long Xuyên mà vẫn được tỉnh bổ nhiệm làm chánh án TAND tỉnh An Giang. Ông Sơn từng làm phó chủ tịch UBND TP Long Xuyên trong thời gian có sai phạm, liệu khi chuyên án này kết thúc thì việc xét xử có bị ông Sơn tác động? Ông Lê Việt Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang, giải thích: “Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đều được thực hiện theo quy trình. Suốt thời gian qua không có đơn tố cáo ông Sơn nên Tỉnh ủy đồng ý với bổ nhiệm. Chuyện xử án còn dài nên đặt vấn đề như vậy tôi không đồng ý”.

Kết luận họp báo, ông Huỳnh Thế Năng cho biết quan điểm của tỉnh là chấp nhận đối mặt với sai phạm để xử lý. Có một sự thật là thời gian qua, việc quản lý đất đai còn bị buông lỏng nhưng có một số yếu tố khách quan. Tuy nhiên, khi phát hiện sai phạm thì UBND tỉnh “nhảy vào” xử lý kiên quyết. Ông Năng nêu một số định hướng khắc phục các sai phạm sắp tới như tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ, luân chuyển cán bộ và thanh, kiểm tra thường xuyên về đất đai…

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm