Bài 3: Quy trách nhiệm cho thẩm phán

Theo Bộ Tư pháp, một trong những nguyên nhân các vụ việc thi hành án (THA) bị tồn đọng là do án tuyên không rõ, không phù hợp thực tế. Vậy vì sao những bản án “lửng lơ” cứ xuất hiện?

Trình độ yếu kém

Theo Phó Cục trưởng Cục THA dân sự Nguyễn Thanh Thủy, tình trạng trên có nguyên nhân là do trình độ thẩm phán còn yếu kém. Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp vì một lý do nào đó mà thẩm phán cố tình ra bản án khó hiểu để không thể thi hành được.

Mặt khác, một nguyên nhân khác phải kể đến là thẩm phán... lười đi xác minh thực tế. Ông Thủy nhấn mạnh: “Nhiều vụ việc dân sự, thẩm phán chỉ tuyên trên giấy, nghĩa là chỉ căn cứ vào văn bản các bên cung cấp mà không đến xác minh. Điều này sẽ dẫn đến việc là cho ra những bản án xa rời thực tế, sai sót”.

Nguyên Trưởng THA dân sự TP Hà Nội Nguyễn Bá Nhã bức xúc: “Nhiều bản án không thể thi hành được do tòa áp dụng luật máy móc. Lẽ ra thẩm phán cần căn cứ vào thực tế và đứng trên cương vị của chấp hành viên để xem bản án có thi hành được không”. Trưởng THA dân sự huyện Từ Liêm Nguyễn Phúc Hằng than thở: “Có bản án dường như thẩm phán chỉ ngồi nhà để tuyên. Ở Từ Liêm có trường hợp án tuyên sai vị trí thửa đất. Khi THA có công văn yêu cầu giải thích, hỏi một đằng thì tòa trả lời một nẻo, cứ như ở trên mây trên gió ấy!”.

Tuyên xong, “lặn mất tăm”

Pháp lệnh THA dân sự quy định: Nếu thấy trong bản án có những điểm chưa rõ thì THA có quyền yêu cầu tòa ra bản án giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ đó. Trong thời hạn 15 ngày, tòa đã ra bản án phải trả lời bằng văn bản.

Quy định là thế nhưng đối chiếu thực tế, theo số liệu của Cục THA dân sự, trong số án tuyên không rõ tính đến cuối năm 2007, có gần 45% số vụ cơ quan THA yêu cầu tòa giải thích nhưng bị “chìm nghỉm” ở tòa, chưa hề nhận được hồi âm. Với những yêu cầu may mắn được tòa “đáp lại” thì có nhiều sự giải thích vòng vo mà không đi vào nội dung chính được hỏi. Nhiều trường hợp, sự giải thích của tòa lại chỉ làm rối thêm cho việc THA.

Đã thế, theo Phó Cục trưởng Cục THA dân sự Nguyễn Thanh Thủy, trong trường hợp xét thấy không thể giải thích được bản án mà có căn cứ để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan THA kiến nghị đến người có thẩm quyền. Thế nhưng rất nhiều kiến nghị của cơ quan THA đã không được người có thẩm quyền quan tâm, trả lời.

Cần “xử” thẩm phán

Để giải quyết tình trạng này, ông Thủy nhấn mạnh: “Án tuyên phải thực tế và phải thấu lý, đạt tình. Cần có chương trình tập huấn, hướng dẫn thẩm phán về kỹ năng viết bản án, tuyên án để họ tuyên cho chuẩn. Trường hợp có tiêu cực thì phải cương quyết xử lý làm gương”.

Cùng góc nhìn này, một kiểm sát viên cho rằng: “Bản án phải rõ nghĩa, phải được cân nhắc từng từ và phải chuẩn về ngữ pháp để đương sự và các cơ quan liên quan khi đọc thấy dễ hiểu. Thẩm phán cần nâng cao kỹ năng viết bản án, phải đảm bảo tính logic trong nội dung bản án. Các chứng cứ phải được thể hiện đầy đủ. Cái gì đúng, cái gì sai, cái gì bác bỏ đều phải được thể hiện rõ”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất rằng pháp luật nên quy định những bản án nào không thể thi hành được mà do lỗi của tòa thì cơ quan THA có quyền trả lại bản án đó cho tòa. Ngoài ra, phải quy định trách nhiệm cho thẩm phán trong việc tuyên án, nếu mắc lỗi như tuyên không rõ, không phù hợp thực tế thì phải chịu chế tài. Song song đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm kèm theo chế tài đối với lãnh đạo tòa nếu chậm hoặc không giải thích bản án khi cơ quan THA yêu cầu.

- Phó Cục trưởng Cục THA dân sự Nguyễn Thanh Thủy: “Vụ buôn bán ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu, tòa tịch thu nhà của Trường nhưng đồng thời lại tuyên cho con của Trường được ở một phòng trên tầng hai của nhà đó và cũng không đề cập đến lối đi lên phòng như thế nào. Vậy thì tịch thu kiểu gì đây? Trong một thời gian dài, phần tuyên này đã không thể thi hành được”.

- Nguyên Trưởng THA dân sự TP Hà Nội Nguyễn Bá Nhã: “Trong một vụ tranh chấp, tòa tuyên “bảo thủ” ngôi nhà ấy. Hai từ “bảo thủ” này đã làm các chuyên gia tranh cãi đau đầu. “Bảo thủ” là giữ lấy nhà để kê biên bảo đảm thi hành án hay là giữ lại ngôi nhà không được kê biên, không được bán? Nói chung, án tuyên “ly kỳ” dạng này nhiều lắm, nói cả ngày không hết!”.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm