Bài 4: Sẽ có “chế tài” với thẩm phán!

Xung quanh thực trạng phán quyết “trời ơi” của tòa “làm khổ” cơ quan thi hành án và đương sự, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Đặng Quang Phương - Phó Chánh án thường trực TAND tối cao.

Ông Phương nói: Việc án tuyên không rõ, không phù hợp thực tế đã làm TAND tối cao phải trăn trở. Trong hội nghị tổng kết ngành và trong những lần đi thanh kiểm tra rút kinh nghiệm ở địa phương, TAND tối cao đều có nhắc nhở về vấn đề này.

Sai thì phải sửa!

. Hiện nay, điều mà cả cơ quan thi hành án lẫn người dân quan tâm là phải xử lý những bản án “trời ơi” này như thế nào, thưa ông?

Bài 4: Sẽ có “chế tài” với thẩm phán! ảnh 1+ Xử lý thế nào thì tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu tòa tuyên chưa rõ, cần phải giải thích thì tòa giải thích bổ sung, nếu có thể đính chính thì đính chính bổ sung. Tất nhiên giải thích, đính chính phải tuân thủ pháp luật và trong giới hạn của hội đồng xét xử đó; trên cơ sở biên bản phiên tòa, biên bản nghị án.

Còn nếu tòa tuyên sai bản chất của vụ án thì phải kháng nghị. Nếu bản án sơ thẩm thì kháng nghị phúc thẩm. Nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật thì phải kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Đây là vấn đề sửa sai và tùy vào mức độ sai phạm để tòa cấp trên sửa sai.

. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp cơ quan THA đã đề nghị tòa giải thích án nhưng tòa không trả lời hoặc chỉ trả lời mơ hồ, thậm chí có khi giải thích khác hẳn bản án đã tuyên?

+ Với dạng án tuyên kiểu này, cơ quan THA cần phát huy vai trò chức trách của mình.

Nếu bản án không thi hành được hoặc các đương sự thấy chưa rõ thì cơ quan THA đề nghị tòa giải thích. Nếu tòa nào không giải thích là thiếu trách nhiệm, bởi không thể không trả lời. Chúng tôi không cho phép như thế. Việc trả lời là bắt buộc. Nếu tòa trả lời chung chung thì cũng giống như chưa trả lời, cơ quan THA tiếp tục yêu cầu trả lời. Trong trường hợp chưa trả lời hoặc tiếp tục trả lời chung chung thì cơ quan THA báo cáo lên cấp trên của tòa đó. Nếu không được nữa thì báo cáo lên TAND tối cao, chúng tôi sẽ có ý kiến.

Còn trường hợp tòa giải thích lệch với bản án đã tuyên thì cơ quan THA phải kiến nghị giám đốc thẩm với người có thẩm quyền.

. Thưa ông, nhiều trường hợp cơ quan THA đã kiến nghị giám đốc thẩm với người có thẩm quyền nhưng không có kết quả. Phải chăng người có thẩm quyền kháng nghị cũng góp phần làm cho bản án bị “treo”?

+ Tôi tin rằng khi kiến nghị đã đến được với những người có thẩm quyền thì không có việc để “treo”. Cũng phải thấy rằng nhiều khi có đề nghị xem xét kháng nghị nhưng người có thẩm quyền thấy không cần kháng nghị mà chỉ cần giải thích, trả lời cho đương sự mà thôi.

Nếu Báo phát hiện được những trường hợp này thì cứ gửi cho chúng tôi. Nếu được phản ánh cụ thể, chúng tôi sẽ kiểm tra.

Quy trách nhiệm thẩm phán

. Thưa ông, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng trách nhiệm chính trong chuyện này là của thẩm phán. Ông nghĩ sao?

+ Trước tiên đây là trách nhiệm của thẩm phán, đặc biệt là thẩm phán chủ tọa phiên tòa, sau đó là đến các hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử. Nếu các thẩm phán và các thành viên trong hội đồng xét xử đọc kỹ lại bản án, quyết định trước khi ký, thấy chưa rõ ràng, sửa lại ngay thì sẽ không để xảy ra những phán quyết như thế.

Để cho ra đời những bản án này, thứ nhất là do thẩm phán có tinh thần trách nhiệm chưa cao, không nghiên cứu các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Thứ hai là thẩm phán theo ý chủ quan của mình, thấy là đã rõ mà không quan tâm đến việc người khác đọc và khi thi hành bản án đó sẽ được hiểu như thế nào. Mặt khác, cũng có khi do năng lực của họ còn hạn chế.

. Vậy TAND tối cao cần phải làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Có cần định ra chế tài cụ thể với thẩm phán, thưa ông?

+ Trước đây, gặp trường hợp này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chỉ mới yêu cầu thẩm phán TAND tối cao giải trình. Tới đây, TAND tối cao sẽ có quy định với tòa cấp dưới là nếu án bị kháng nghị thì yêu cầu thẩm phán giải trình: Tại sao hội đồng thẩm phán có quy định như vậy mà anh không chịu đọc? Tại sao anh viết không rõ, trên một đằng, dưới một nẻo? Khuyết điểm của anh ở đâu? Sai rồi thì phải nhận trách nhiệm cụ thể chứ không thể chỉ nhận chung chung. Giải trình này phải đưa vào hồ sơ cán bộ.

Sắp tới, chánh án TAND tối cao sẽ ban hành chỉ thị, trong đó quy định nếu thẩm phán nào để xảy ra những sai sót sơ đẳng như bản án không rõ ràng, có những lỗi lặp đi lặp lại... thì trước hết phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo của thẩm phán đó. Đồng thời chánh án tòa nào có thẩm phán mắc lỗi như vậy cũng phải chịu trách nhiệm.

Mặt khác, các tòa cũng cần chú trọng đến khâu rút kinh nghiệm. Hội nghị thi đua không chỉ đơn thuần bình xét ai hoàn thành, ai không hoàn thành nhiệm vụ mà tại hội nghị này phải cùng nhau rút kinh nghiệm và chia sẻ. Ngoài ra, trong nội bộ tòa cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

. Xin cảm ơn ông.

HOÀNG VÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

(PLO)- 5 người bị bắt vì khống chế, nhốt tổ công tác của UBND huyện Tam Bình, Vĩnh Long đưa vào chánh điện của một ngôi chùa, không cho ra ngoài và hành hung khi tổ công tác đến xác minh vụ việc.