Bắt 2 người Trung Quốc giả công an lừa đảo hàng tỉ đồng

Như báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài phản ánh, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12-2014, tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra hàng loạt các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc sử dụng mạng viễn thông.

Các đối tượng giả danh công an gọi vào điện thoại cố định đưa thông tin chủ thuê bao đang tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bị hại, chúng yêu cầu bị hại rút hết tiền tiết kiệm, tiền gửi trong các tài khoản để gửi vào tài khoản do chúng chỉ định với mục đích nhằm kiểm tra tiền có trong sạch hay không và hứa sẽ chuyển trả lại tiền cho các bị hại trong vòng một ngày.

Với thủ đoạn này các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại số tiền mấy tỉ đồng đồng. Riêng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có bốn người bị lừa với thủ đoạn như trên và đã làm đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Từ thông tin của người tố giác của bà N.Th.Đ (ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu- bị hại trong vụ án thứ tư,  cơ quan điều tra đã mở rộng điều tra.

Vào lúc 10 giờ ngày 14-1-2015 bà Đ. nhận được cuộc điện thoại của đối tượng gọi vào máy nhà bà Đ. nói bà đang nằm trong đường dây rửa tiền. Bà Đ. nói không có thì đối tượng xưng danh là công an TP.Vũng Tàu yêu cầu bà Đ. chuyển hết tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra, nếu trong sạch thì chúng sẽ hoàn trả tiền trong vòng một ngày. 

Do tin tưởng là thật nên bà Đ. tới ngân hàng rút 150 triệu đồng  và gửi vào số tài khoản số 060095718976 mang tên Bùi Thanh Hiếu  mở tại ngân hàng Saccombank chi nhánh TP HCM. Sau khi gửi tiền bà Đ. phát hiện mình đã bị lừa nên báo cho ngân hàng và yêu cầu niêm phong tài khoản của đối tượng trên. Đến 16 giờ cùng ngày phát hiện chủ tài khoản khiếu nại việc không rút được tiền tại phòng giao dịch Saccombank TPHCM, nhân viên ngân hàng đã báo cho phòng PC45 Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ các lực lượng gồm C45- Bộ Công an, công an tỉnh Quảng Ninh, công an Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 21-1, Cơ quan công an đã tiến hành bắt khám xét khẩn cấp với đối tượng Lê Thị Ánh (42 tuổi, ngụ TP.Uông Bí, Quảng Ninh) tại một khách sạn thuộc TP.Quảng Ninh.

ZHENG KE XI và ZHENG ZHUEN

Qua làm việc Ánh khai đã được hai đối tượng có quốc tịch Trung Quốc thuê làm công việc chuyển tiền cho các đối tượng này tại bến xe Móng Cái. Từ lời khai của Ánh, công an đã tiếp tục bắt và khám xét khẩn cấp đối với hai đối tượng  ZHENG KE XI ( 40 tuổi, quê tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) và đối tượng ZHENG ZHUEN (35 tuổi, quê Phúc Kiến, Trung Quốc) khi hai đối tượng này đang  ẩn nấp tại một khách sạn tại Quảng Ninh.

Kết quả khám xét cơ quan điều tra đã thu giữ tại phòng ở của hai đối tượng trên khoảng 120 thẻ Sim điện thoại, khoảng 80 thẻ ATM các loại, năm điện thoại di động, một máy tính bảng, một thiết bị phát sóng wifi, số tiền 36,5 triệu đồng, 1800 nhân dân tệ tiền Trung Quốc.

Trong quá trình công an bắt giữ nhóm trên, một bị hại khác tại Bình Thuận cũng được cho là đã chuyển tiền vào tài khoản của nhóm này thông qua một đối tượng khác. Được biết ngoài các bị hại tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhóm này còn dùng thủ đoạn tương tự để lừa đảo ở nhiều tỉnh thành khác.

Hiện công an đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án và truy bắt thêm các đối tượng liên quan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm