Cán bộ trại giam trải lòng việc cải tạo phạm nhân

35 năm gắn bó với trại giam, Đại tá Nguyễn Hoàng Hiệp (Giám thị Trại giam Bến Giá-Tổng cục VIII Bộ Công an) tiếp xúc với hàng ngàn phạm nhân. Nhiều người khi vào trại bất hợp tác, có người ra tù rồi... quay lại.

Quan sát, trò chuyện, đúc kết... từ thực tiễn, Đại tá Hiệp rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc cải tạo phạm nhân, nhiều người đã thay đổi thái độ và ông trải lòng...

Vụ án chấn động Tỉnh Trà Vinh

Có những con người mà chỉ cần nhắc tới cái tên cả đời tôi không thể nào quên được. P. ở Trà Vinh là một trong số đó.

Sinh năm 1989, ngày về thụ án tại trại giam Bến Giá (Thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), P mới 25 tuổi. Chàng trai trẻ này bị án chung thân vì tội giết người, cướp tài sản.

Theo hồ sơ, dù là người tu hành, nhưng khi thấy cô gái dễ thương và hơn hết cũng có cùng hoàn cảnh với mình, P buông lời tán tỉnh.

Tình yêu đó kéo dài không được bao lâu thì cô gái ghen tuông rằng P đã có người đàn bà khác. Cô gái dọa sẽ trưng những hình ảnh “nhạy cảm” của mình với nhà tu hành tố cáo với chùa.

Vụ án xảy ra vào khoảng 21h ngày 13-9-2013, cô gái chủ động gọi điện cho P hẹn gặp nhau phía cổng sau chùa. Sau một lúc trò chuyện, hai người xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau quyết liệt. Cô gái tung một cú đấm. Trong lúc nóng nảy, theo phản xạ của người học võ, P đưa tay lên đỡ rồi ra đòn phản công khiến cô gái gục xuống đất. 

Hốt hoảng khi thấy bạn tình đã chết, P lôi xác nạn nhân vào sâu trong vườn chùa. Phi tang mọi dấu vết, P thay đồ tu bằng đồ thường rồi lấy xe, túi xách của nạn nhân chạy đến nhà một bạn tình khác 

TAND tối cáo tại TPHCM y án sơ thẩm tù chung thân về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Vụ án gây chấn động tỉnh Trà Vinh một thời gian dài.

Vào tù khi tuổi đời còn quá trẻ, lại gánh trên mình án chung thân, chàng trai ấy nghĩ rằng cuộc đời mình đã chấm hết. Thời gian đầu vào trại, P không ăn, không ngủ, bất hợp tác. Quá trình nghiên cứu kĩ hồ sơ cùng tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi nhận thấy, nếu có cơ hội làm lại cuộc đời, P sẽ là một công dân tốt. Vậy nên, cán bộ liên tục gặp gỡ, giáo dục, động viên, an ủi.

Chúng tôi nói với P rằng: P còn có gia đình, còn có tương lai, nếu thực sự cải tạo tốt thì sẽ được giảm xuống án có thời hạn, còn có ngày về, chứ đâu ở tù suốt đời được.

Cuộc nói chuyện gần gũi như những người anh em dần giúp P lấy lại tinh thần. Từ một người uể oải, thường xuyên xếp loại cải tạo trung bình, yếu, hiện tại P được xếp loại khá. Tính đến nay (11-2), P đã chấp hành án được hơn 3 năm 3 tháng.

Đời người ai chẳng có lúc phạm sai lầm

"Tôi tin đời người chẳng ai muốn vào tù"- Ảnh minh họa

Hiện tại trại giam Bến Giá có khoảng 1500 phạm nhân. Người vì trộm cắp, người vì tội cướp giật, người vì lòng tham, phút nóng nảy nhất thời mà giết người. P chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện.

Tôi tin đời người chẳng ai muốn vào tù. Có những sai lầm có thể sửa được. Có những sai lầm phải trả giá bằng tiền. Cũng có những sai lầm phải trả bằng tuổi trẻ, những năm tháng đằng đẵng trong tù. Điều chúng tôi mong muốn là phạm nhân tự nhận ra sai lầm của mình, làm sao khi trả xong món nợ pháp luật nơi này, họ trở về là những công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Nói thì nghe đơn giản nhưng làm thì khó lắm!

Có kiến thức pháp luật mà thiếu sự hiểu biết, tôn trọng các giá trị đạo đức thì phạm nhân khó có thể trở thành người lương thiện khi trở về tái hòa nhập xã hội. Bởi vậy, giáo dục pháp luật phải gắn với dạy văn hóa cho họ. Phạm nhân mù chữ thì khó có thể tiếp thu kiến thức pháp luật chứ chưa nói đến hiểu biết pháp luật. Bởi vậy, để bảo đảm hiệu quả giáo dục pháp luật cho những phạm nhân mù chữ thì điều kiện tiên quyết là phải dạy chữ cho họ.

Học tập là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại cải tạo. Ở  trại giam Bến Giá có khoảng 15% phạm nhân không biết chữ. Chúng tôi động viên, khích lệ bằng cách nếu đạt thành tích tốt trong học tập, sẽ có những mức thưởng khác nhau: thưởng tiền, hiện vật, biểu dương trước toàn trại...

Ngoài ra, một thống kê cho thấy: trong số những phạm nhân phải ly hôn trong thời gian chấp hành án phạt tù thì có 24% phạm tội mới; còn trong số những phạm nhân vẫn giữ được mối liên hệ bình thường với gia đình, người thân thì tỷ lệ phạm tội mới chỉ 7%... Chúng tôi rất lưu ý điều này để có thể đưa ra những cách tác động, giáo dục phù hợp.

Cạnh đó, phải  đảm thực hiện đúng quy định việc phạm nhân được gặp thân nhân, nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân. Việc thường xuyên được thăm gặp, giữ mối liên hệ với thân nhân, gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó không chỉ là nhu cầu chính đáng mà còn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ phạm nhân lao động, học tập tốt để nhanh chóng được trở về với gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm