Cào nghêu giống tự nhiên, bị gọi là cướp

Ngày 20-10, cảnh “cướp nghêu” ở bãi nghêu Khai Long - Đất Mũi (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) tạm lắng. Trên bãi nghêu chỉ còn... vài trăm người, thay vì hàng ngàn người như các ngày đầu tuần.

Việc bãi nghêu hết cảnh hỗn loạn, đánh nhau không phải do chính quyền vào cuộc quyết liệt mà do lượng nghêu giống về bãi giảm mạnh. “Nếu lượng nghêu dạt vào nhiều, chỉ cần kiếm được 500.000 đồng cho một ngày cào nghêu là dân lại đổ ra tiếp, không ai ngăn được” - ông Lê Phú Sánh, Chủ nhiệm HTX nghêu Đất Mũi, nói.

Những ngày trước, có cả hàng ngàn người dân đến cào nghêu và bị báo chí gọi là cướp nghêu. Ông Nguyễn Văn Hiền (ngụ xã Đất Mũi) bức xúc: “Trước đây tôi cũng là xã viên HTX nhưng nay bị ra rìa. Các phần bãi tốt nhất bị một số người chiếm giữ, mà chúng tôi chỉ cào bắt nghêu giống tự nhiên chứ có lấy nghêu của ai đâu mà bảo chúng tôi là kẻ cướp?”. Một người khác thì nói: “Nghêu tự nhiên là nguồn sống của dân nghèo Đất Mũi bao đời nay, tự nhiên người khác vào bao chiếm rồi bảo chúng tôi là kẻ cướp”.

Một chủ bãi nghêu bất lực với hàng trăm người vào sân nghêu của mình. Ảnh: T.VŨ

Theo ghi nhận của PV, người dân đến bãi chỉ cào bắt nghêu cám trong tự nhiên, có con nghêu thịt nào của HTX dính vợt, họ sàng ra thả lại. Trong khi đó, những người nuôi nghêu kêu thán là chính quyền bất lực, kêu gọi họ đầu tư nhưng nay không bảo vệ, để dân vào “cướp” tài sản của họ.

Lý giải chuyện “cướp nghêu”, ông Võ Công Trường, Chủ tịch xã Đất Mũi, nói: “Phần lớn người dân chỉ cào nghêu giống tự nhiên chứ không bắt nghêu nuôi, nói dân cướp nghêu là không đúng. Cũng có người lợi dụng bắt nghêu nuôi của HTX về ăn nhưng không nhiều, số người này đang bị công an huyện rà soát, xử lý. Còn phía HTX, từ lâu chúng tôi đã đề nghị huyện giải thể vì hoạt động chưa tuân thủ pháp luật. Nhiều lần xã đề nghị báo cáo tài chính, nhân lực… nhưng họ làm không đúng. Khi xảy ra sự cố, chúng tôi bị thụ động” - ông Trường nói.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cũng cho biết đang xem xét giải thể HTX nghêu Đất Mũi vì tổ chức, hoạt động không đúng theo luật định.

Lãnh đạo xã Đất Mũi và lãnh đạo huyện Ngọc Hiển cho biết sẽ tổ chức lại HTX theo hướng cộng đồng dân cư địa phương để người nghèo, thiếu nghề nghiệp được hưởng lợi từ bãi nghêu. “Chỉ khi nào HTX tổ chức lại theo hướng lấy lợi ích cộng đồng làm nền tảng thì chính người dân sẽ đứng ra bảo vệ bãi nghêu” - ông Trường nói.

Năm 2009-2010, bãi nghêu Khai Long - Đất Mũi có 16 HTX được giao quản lý 431 ha đất bãi với hơn 1.400 xã viên. Hoạt động một thời gian, HTX sáp nhập và chỉ còn khoảng 180 xã viên, vì dân nghèo không có tiền góp vốn. Sau khi sáp nhập, hơn 1.200 xã viên bị ra rìa.

Những người đi cào nghêu mấy ngày qua phần lớn là xã viên trước đây. “Cơ quan chức năng phải đưa họ vào HTX và không nhất thiết buộc họ phải góp vốn bằng tiền mà có thể là công lao động. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng lộn xộn trên bãi nghêu” - ông Võ Công Trường nói.

Số tiền đầu tư của xã viên đến nay hơn 11 tỉ đồng nhưng những ngày qua người dân vào cào nghêu làm HTX thiệt hại ước tính khoảng 5 tỉ đồng.

Ông LÊ PHÚ SÁNH, Giám đốc HTX nghêu Đất Mũi

Bị xí phần, người nghèo mất nguồn sống

Hàng ngàn người vào khu vực nuôi nghêu của HTX ở Đất Mũi cào nghêu giống tự nhiên trước sự bất lực của chính quyền. Trước đó, năm 2015 tại bãi bồi ven biển Bạc Liêu, dân cũng tràn vào HTX bắt nghêu. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi tại ĐBSCL.

Những người cào nghêu bị gán danh là kẻ cướp nhưng thực tế không phải vậy. Bởi hầu hết họ là người nghèo, sống bám ven biển, sinh nhai theo con nước thủy triều và biết rất rõ khu vực nào, bãi bồi nào có nghêu tự nhiên về sống. Thế nhưng những “xã viên HTX” đến khoanh vùng, xí phần những bãi nghêu giống tự nhiên, lấy mất nguồn sống của họ, biến họ thành “kẻ cướp”. Nhưng có ai xem thử trong số hơn 180 “xã viên nuôi nghêu” ở Đất Mũi có bao nhiêu người thật sự là dân nghèo hay chỉ là những người có tiền, có khả năng để “khoanh vùng, xí phần” những bãi nghêu giống tự nhiên?

Phải thật sự đứng giữa bãi nghêu, nhìn những con người đen nhẻm, chân trần, khắc khổ, thất học, không kế mưu sinh mới thấu cho hoàn cảnh của họ.

Bạc Liêu, Cà Mau có hàng ngàn người mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc, bắt nghêu, đặt cá... Không hiệu quả nhưng không có cách khác sống tốt hơn, khi mà một diện tích lớn vùng mặt nước ven biển đều được khoanh vùng cho thuê nuôi trồng thủy hải sản, bao ví làm HTX, thì phạm vi kiếm sống của họ bị thu hẹp, thậm chí bị tước bỏ trắng trợn.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận: Xảy ra tình trạng “cướp nghêu” có nhiều lý do nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là lợi ích chưa hài hòa, chưa giúp họ thoát nghèo. “Chừng nào làm được việc này, tình trạng “cướp nghêu” sẽ hết” - ông nói.

MINH NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm