Chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM): 17/19 sạp đạt yêu cầu

Hóa chất thực phẩm là một ngành hàng đặc thù, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, kể cả môi trường, do vậy phải quản lý gắt gao. Qua thẩm định, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận 17/19 tiểu thương kinh doanh hóa chất thực phẩm tại chợ Kim Biên đạt yêu cầu, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ngày 5-3 tới đây, Sở Y tế TP sẽ công bố rộng rãi trên hệ thống truyền thông danh tánh và địa điểm kinh doanh của 17 tiểu thương nói trên để giúp người tiêu dùng chọn mua đúng mặt hàng, đúng chất lượng”. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý VSATTP (Sở Y tế TP.HCM), khẳng định nội dung trên trong buổi giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM về thực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến chất lượng, VSATTP tại chợ Kim Biên (phường 13, quận 5) vào sáng qua (24-2).

Thiếu nghiệp vụ chuyên môn

Theo bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên, ngoài 19 tiểu thương kinh doanh trên 100 mặt hàng hóa chất thực phẩm tại chợ Kim Biên còn có 33 tiểu thương và đơn vị cũng kinh doanh ngành hàng này, kể cả hóa chất công nghiệp, hóa chất hương liệu công nghiệp nằm rải rác trong khu vực nhà dân, cạnh chợ, không thuộc quyền quản lý của chợ Kim Biên. “Mỗi khi có ngộ độc thực phẩm do hóa chất xảy ra, nhiều người nghĩ ngay đến tiểu thương kinh doanh hóa chất thực phẩm trong chợ Kim Biên mà không nghĩ tới những tiểu thương và đơn vị kinh doanh bên ngoài. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến việc buôn bán của tiểu thương trong chợ” - bà Nhung bày tỏ.

Cũng theo bà Nhung, phần lớn tiểu thương kinh doanh hóa chất thực phẩm tại chợ còn hạn chế kiến thức trong lĩnh vực hóa học, chỉ dựa vào kinh nghiệm buôn bán lâu năm. “Trong khi đó, hóa chất thực phẩm nếu không hướng dẫn người mua sử dụng đúng công năng, liều lượng sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe” - bà Nhung nhận định.

Bà Lưu Hồng Đào, Chủ tịch UBND phường 13, cho biết do không có trình độ chuyên môn nên khi kiểm tra, nhân viên ở phường không thể phân biệt hóa chất nào được phép hoặc không được phép sử dụng. Thậm chí tiểu thương giải thích sao thì nhân viên kiểm tra... nghe vậy, do đó rất lúng túng khi xử phạt.

“Siết” cả trong lẫn ngoài!

Ông Sử Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho rằng việc quản lý 33 tiểu thương và đơn vị kinh doanh hóa chất không nằm trong chợ Kim Biên cũng gặp khó khăn. Theo ông Anh, giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ghi chung chung “buôn bán hóa chất”. Trong khi đó, hóa chất có ba loại: hóa chất công nghiệp, hóa chất hương liệu công nghiệp, hóa chất hương liệu thực phẩm. Do không minh bạch, rõ ràng nên ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra và xử phạt. “Cơ quan cấp giấy phép kinh doanh cần rà soát lại 33 tiểu thương và đơn vị nói trên để điều chỉnh loại hóa chất được phép kinh doanh, từ đó cơ quan quản lý mới có cơ sở giám sát chặt chẽ hơn” - ông Anh kiến nghị.

Theo ông Anh, khi ngành y tế buộc các tiểu thương kinh doanh hóa chất thực phẩm trong chợ Kim Biên phải có giấy chứng nhận VSATTP thì 33 tiểu thương và đơn vị kinh doanh ngoài chợ cũng phải được thẩm định để cấp giấy. “Khi đã được cấp giấy thì tất cả tiểu thương và đơn vị kinh doanh phải bán sản phẩm rõ nguồn gốc, từ đó hạn chế rất nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm” - ông Anh nói.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, khảo sát những tiểu thương và đơn vị kinh doanh hóa chất bên ngoài chợ Kim Biên cho thấy họ chỉ trưng bày hóa chất công nghiệp, còn hóa chất thực phẩm hoàn toàn không thấy. Thế nhưng khi khách có nhu cầu sử dụng hóa chất thực phẩm là họ đưa ra hàng loạt mặt hàng và đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng theo yêu cầu. “Mục đích của họ là nhằm... qua mặt cơ quan quản lý. Do vậy, ngoài 17 tiểu thương được cấp giấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP sẽ được công bố rộng rãi, Sở Y tế TP cũng buộc các tiểu thương và đơn vị kinh doanh hóa chất còn lại lập hồ sơ thẩm định cấp giấy để “gò” họ vào khuôn khổ, trong đó chú ý đến chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hóa chất của người bán hàng” - ông Hòa nói.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm