Đà Nẵng: Tan hoang vùng tôm giống

Đầu tháng Hai âm lịch, những đợt rét kéo dài kèm theo mưa lạnh đã làm hàng chục hộ nuôi tôm giống, tôm thịt tại làng Thủy Tú (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trắng tay vì tôm chết. Thiên tai liên tục quần thảo vịnh Thủy Tú từ nạn biển xâm thực đến nước biển ô nhiễm rồi giá rét... khiến nhiều người phải bỏ xứ ra đi vì nợ nần chồng chất.

Vịnh “khóc” tôm

Vớt mẻ tôm đầu tiên bán cho khách hàng từ Huế được hơn chục triệu đồng nhưng anh Phan Văn Vinh vẫn buồn thiu. Phát tiền công cho các công nhân xong, anh gói ghém nắm tiền ít ỏi chạy vội ra ngân hàng để trả nợ.

Từ một chủ hồ tôm giống gần 20 bể với nhà cửa khang trang, sau 11 năm, số nợ ngân hàng của anh đã lên đến 100 triệu đồng. Lãi suất, giá cả tăng vùn vụt. Tiền bán tôm cầm chưa ráo mồ hôi, anh phải chạy ngay tới ngân hàng và tìm chủ nợ để thanh toán.

Anh Vinh cho biết đợt rét tháng rồi, nhiệt độ xuống quá thấp, có khi còn 15-16 độ C, tôm chết thúi hồ. “Tui đã tìm mọi cách xử lý cho nước ấm lên nhưng rét kéo dài ngày quá, tôm không sinh sản được. Lúc trước, một bể tôm giống thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Nay một hồ tôm 20 bể thu hoạch chưa tới 20 triệu đồng. Khách hàng vắng vẻ. Nhìn hồ tôm mà ứa nước mắt” - anh Vinh thở dài.

Từ một chủ hồ tôm giống, anh Đặng Ngọc Tài nay phải làm thuê cho anh Vinh để kiếm tiền sống qua ngày. Anh Tài nói như mếu: “Tài sản trong nhà đã bị tôm giống “nuốt” sạch. Tôm giống nhà tui không ăn thức ăn công nghiệp nữa mà thích ăn “sổ đỏ” thôi anh ạ!”.

“Sổ đỏ” của gia đình anh nay đã kẹt cứng tại ngân hàng với số nợ gần 100 triệu đồng chưa biết xoay xở ra sao. Trước Tết, 12 bể tôm của anh gần đến lúc thu hoạch thì một đợt sóng biển đánh sập. Tất cả chìm trong biển nước mênh mông, nhà sụp, bể nứt đôi.

Nạn biển xâm thực tại phường Hòa Hiệp Bắc làm hàng chục hộ nuôi tôm giống qua một đêm trắng tay, thành con nợ. Hàng trăm triệu đồng theo sóng biển cuốn trôi. Dọc theo bờ biển gần năm km của làng Thủy Tú tiêu điều, những bể tôm nằm chỏng chơ trên cát biển.

Mong thoát nghèo lại đụng nợ!

Ngoài những người dân địa phương sống dở chết dở với tôm giống, hàng chục hộ dân từ Nghệ An vào nuôi tôm thịt, tôm giống tại Thủy Tú cũng chẳng có đường về. Tài sản tích cóp, vay mượn từ quê mang vào đầu tư nuôi tôm nay đổ sông, đổ biển. Nhiều người không dám về quê vì nợ.

Ông Hồ Sỹ Hoành quê Nghệ An vào nuôi tôm giống tại đây từ năm 1997. Cầm gần chục cây vàng vào đầu tư 25 bể tôm, qua một đêm có đến 17 hồ tôm của ông bị sóng cuốn. Chưa hết, tám bể nuôi tôm còn lại cũng nằm trong nguy cơ mất trắng bởi nguồn nước biển gần đây đang bị ô nhiễm.

Ông Hoành cho biết: “Một phần do nước quá lạnh, phần do nước bị chất thải của nhà máy giấy và nhà máy xi-măng gần đó đổ ra nên tôm không chịu nổi. Trước đây, nước biển tại khu vực này sạch lắm. Nhưng nay lâu lâu lại thấy nước chuyển màu đỏ sẫm. Bơm nước đó vào bể, tôm lăn ra chết hết”.

Giấy tờ nhà, đất ở ngoài quê ông đã cầm cố hơn 70 triệu đồng để xoay xở. Nợ cũ chưa trả nay phải vay thêm mấy chục triệu đồng để đầu tư lại. “Nuôi tôm như đánh bạc! Mê và lỡ nước cờ, giờ rút lại khó quá. Mong mỏi lớn nhất của tui là được ngân hàng khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn để cứu khủng hoảng trong lúc này” - ông Hoành than.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc Trần Phước Huấn cho biết: Cả phường có trên 42 ha nuôi tôm thịt, gần 50 hộ nuôi tôm giống. Hầu hết ai cũng nợ ngân hàng, người ít 20 triệu đồng người nhiều 100-200 triệu đồng. Nghèo, mong thoát khổ lại đụng nợ. Nhiều người trong làng bỏ đi nơi khác. Có người chuyển đổi ngành nghề để xoay xở trả nợ.

“Ruộng gần đây bị giải tỏa hết. Người dân ra dọc biển đào ao nuôi tôm. Nay tôm chết, không biết họ đi đâu. Chính quyền địa phương cố gắng khuyến khích người dân giữ lại thương hiệu tôm làng Thủy Tú, hy vọng nó sẽ “sống” lại trong nay mai. Người dân ở đây không người nào không vay tiền để nuôi tôm. Mong lãnh đạo tỉnh, nhà nước có chính sách để cứu làng tôm Thủy Tú, cũng là cứu dân” - ông Huấn nói.

TẤN VŨ - NGUYỄN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm