Đào tạo LS “đẳng cấp WTO”: Phải tự túc kinh phí, LS bỏ cuộc!

Hơn nửa năm trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”. Mục tiêu của đề án là cử các luật sư, cán bộ pháp lý giỏi ra nước ngoài đào tạo để họ am hiểu kiến thức pháp luật thương mại quốc tế, tinh thông kỹ năng hành nghề luật sư, đặc biệt là kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại, tư vấn pháp luật trong các giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên tới thời điểm này, trong số 23 hồ sơ nộp tham gia tuyển chọn, hoàn toàn không có đại diện nào của giới luật sư!

Tự túc kinh phí

Một lý do rất quan trọng khiến giới luật sư không mặn mà với chương trình này là nếu đi học, họ phải tự trang trải mọi kinh phí, chỉ được nhà nước cho vay ưu đãi khi tham gia khóa đào tạo trong khi cán bộ pháp lý thì được bao cấp toàn bộ.

Theo luật sư Đỗ Trọng Hải, Giám đốc Công ty Luật Bizlink, chi phí cho một luật sư đi học khoảng 70 ngàn USD. Trong khi đó, “70%- 80% đội ngũ luật sư ở Việt Nam coi 70 ngàn USD là mục tiêu phấn đấu chứ không phải là một khoản đầu tư để đi học” - ông Hải nói. Cạnh đó, không phải lúc nào cũng chọn được những luật sư có kinh nghiệm để cử đi học, nhất là khi nghề nghiệp họ đã tương đối vững vàng, là đối tác của các công ty thì quyết định “dứt áo ra đi” hoàn toàn không đơn giản.

Cùng ý này, luật sư Trần Tuấn Phong, Trưởng chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Vilaf Hồng Đức, băn khoăn: “Riêng chuyện bỏ công việc đi học đã là một tổn thất lớn rồi, huống chi lại phải vay nợ và chưa biết sau khi học tập trở về nước sẽ thế nào... Những người được lựa chọn là những luật sư tương đối xuất sắc. Họ dễ dàng kiếm được những học bổng toàn phần của nước ngoài mà nhiều khi họ còn chưa sẵn sàng đi nữa là”...

Luật sư Trương Nhật Quang, Trưởng Văn phòng luật sư YKVN, cũng nhận xét hiện số luật sư đủ tiêu chuẩn không nhiều: “Nếu đủ tiêu chuẩn đó, họ cũng có những học bổng khác như Fulbright, Chevening... với thời gian học khoảng một năm, thuận tiện cho họ hơn là chương trình của Chính phủ”.

“Chúng tôi được lợi gì?”

Còn một đối tượng khác có khả năng chi trả khoản kinh phí không nhỏ ấy là các văn phòng luật sư, công ty luật. Tuy nhiên, luật sư Đỗ Trọng Hải cho biết: “Nếu các công ty tự chi, chúng tôi sẽ chọn một chương trình phù hợp chứ không phải chương trình đại trà như thế”. Thực tế, đào tạo một luật sư ít nhất phải mất 4-5 năm mới có thể làm được những việc dính dáng đến hội nhập quốc tế. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu tư, kế đó mới đến giai đoạn khai thác mà chính những người ở giai đoạn này mới có khả năng đi học.

Luật sư Trần Tuấn Phong nhận xét: “Văn bản của Chính phủ không đề cập tới vai trò của các văn phòng luật sư, công ty luật trong khi đây là đối tượng cực kỳ quan trọng cho tương lai lâu dài của các luật sư. Chúng tôi đã góp ý và trong chương trình cụ thể, Bộ Tư pháp đã cố gắng đưa vai trò của các công ty luật vào nhưng chưa thực sự rõ ràng”. Luật sư Hải thì thẳng thắn: “Chúng tôi không nhìn thấy bóng dáng lợi ích của các văn phòng luật sư, công ty luật ở đâu cả. Chỉ thấy đòi hỏi thôi. Vì thế mà chương trình khó khả thi”.

Làm sao gỡ?

Theo dự kiến, cuối tháng 12-2008, hội đồng tuyển chọn sẽ tổ chức xét tuyển đợt một để chọn hơn 10 học viên cử ra nước ngoài đào tạo. Với tình hình trên, nhiều khả năng sẽ không có luật sư nào tham gia các khóa học.

Để giới luật sư có thể tham gia vào một chương trình có mục tiêu rất đúng đắn này, luật sư Đỗ Trọng Hải đã đề xuất cần có chính sách miễn thuế hoặc cho vay dài hạn đối với những văn phòng, công ty luật cấp tiền cho luật sư đi học. Còn luật sư Trần Tuấn Phong kiến nghị nhà nước nên bao cấp luôn: “Đầu tư cho nguồn nhân lực là việc nhà nước phải làm. Nhà nước chỉ cần bỏ tiền đào tạo 10-20 luật sư, cấp học bổng cho họ. Những luật sư này sẽ là hạt nhân giúp phát triển đội ngũ luật sư trong nước. Vì thế không nên đặt ra quá nhiều e ngại”.

Ông Lê Hồng Sơn, Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, cho biết tới đây Bộ Tư pháp sẽ xem xét, kiến nghị Chính phủ theo hướng nhà nước đầu tư tiền cho các luật sư đi học hoặc có chính sách hỗ trợ cho các công ty luật để họ chi tiền cho luật sư đi.

Ngày 14-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”. Theo đó, từ năm 2008 đến năm 2010, nhà nước chỉ chấp nhận chi ngân sách gửi đi đào tạo ở nước ngoài 30-50 chuyên gia pháp luật là những cán bộ đang công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, TAND tối cao, VKSND tối cao. Nhà nước khuyến khích các công ty luật, văn phòng luật sư gửi luật sư tham gia chương trình đào tạo này bằng cơ chế cho vay tín dụng ưu đãi; còn các doanh nghiệp gửi luật sư đi phải tự trang trải kinh phí đào tạo.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã kiến nghị luật sư được tuyển chọn gửi đi học ở nước ngoài cũng được bao cấp kinh phí toàn bộ. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ lo ngại sẽ không ràng buộc được trách nhiệm các luật sư sau khi họ học xong nên không chấp nhận đề xuất này của Bộ.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm