Đặt mìn nhà thẩm phán

La Văn Bình ở xã An Lập, Sơn Động (Bắc Giang) là bị đơn trong một vụ kiện về đất đai. Tháng 12-2004, thẩm phán Vũ Ngọc Hòa, Phó Chánh án TAND huyện Sơn Động đã xét xử, tuyên bên nguyên thắng. Từ đó Bình uất ức, nghĩ ông Hòa thiên lệch nên mua thuốc nổ, kíp mìn, dây cháy chậm về tự tạo nhiều quả mìn, rồi bốn lần đem đặt vào nhà vị quan tòa này làm hơn một năm ròng, gia đình ông Hòa luôn phải sống trong nơm nớp lo âu, nhất là khi màn đêm buông xuống.

Những đêm kinh hoàng

Bình thường chọn thời điểm ôm mìn đến đặt ở nhà thẩm phán Hòa vào ban đêm, khi người dân vùng núi này đã chìm vào giấc ngủ sâu. Ở lần đầu tiên đêm 21-1-2006, mìn nổ làm bể tan tành phốt và công trình phụ của nhà thẩm phán Hòa. Vì thời điểm này gần Tết, lại thấy có vẻ chưa nghiêm trọng nên vị thẩm phán này không báo công an.

Một tuần sau, Bình lại ôm mìn đến “thăm hỏi” nhà ông Hòa. Men theo tường, Bình phát hiện có một lỗ thoát nước ở móng nhà nên đặt mìn vào đó, châm lửa dây cháy chậm rồi về nhà ngủ. Khoảng hai giờ sau mìn nổ, phá tan bức tường, để lại lỗ sâu hoắm ở móng nhà. Lúc này, ông Hòa mới thất kinh, tức tốc đi báo công an.

Trong khi công an chưa tìm ra mình, Bình vẫn không nguôi nỗi uất ức trong lòng và “quyết đánh một mẻ lớn”. Lần thứ ba diễn ra vào đêm 21-12-2006, Bình đặt cùng lúc hai quả mìn ở hai góc nhà thẩm phán Hòa. Những tiếng nổ chát chúa đêm cuối năm đã làm cả khu vực kinh hoàng. Một lần nữa gia đình vị thẩm phán lại may mắn thoát chết trong gang tấc, thay vào đó bức tường và nhiều tài sản trong nhà đã tan thành các mảnh vụn.

Vụ nổ cuối cùng được “kích hoạt” một cách khá bi hài. Một buổi tối đầu tháng 5-2007, trên đường về, Bình đi ngang nhà thẩm phán Hòa, tình cờ đúng lúc đó ông này đứng khạc nhổ nước bọt ra đường. Cho rằng vị quan tòa coi khinh mình, Bình tiếp tục nảy sinh ý định dùng mìn “chơi lại” cho hả giận. Tuy nhiên lần này, người nhà của ông Hòa vô tình thấy người có dấu hiệu khả nghi đi qua, đồng thời phía nhà ông Hòa có tiếng chó sủa. Anh này liên tưởng đến việc nhà ông Hòa đã nhiều lần bị nổ mìn nên đến xem xét. Đến nơi anh ngửi thấy mùi khét, dò tìm thì thấy dây cháy chậm nối với quả mìn đang cháy liền hô hoán. Ngay sau đó, con của thẩm phán Hòa đã chạy ra, cầm quả mìn ném ra thùng vôi, một lúc sau thì mìn nổ.

Tòa, viện tranh cãi

Lưới trời lồng lộng, Bình đã bị bắt, bị khởi tố ngay sau khi gây ra vụ nổ thứ tư. Khám nhà Bình, cơ quan điều tra đã thu giữ được thuốc nổ, lựu đạn, đạn súng, kíp nổ. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Thuốc nổ tìm thấy trong các mẫu vật giám định là loại thuốc nổ mạnh thường dùng trong quân sự. Tháng 11-2007, VKSND tỉnh Bắc Giang đã truy tố Bình về các tội đe dọa giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tàng trữ trái phép vật liệu nổ và đánh bạc.

Trong vụ án này, nội bộ các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang hiện đang tranh cãi xung quanh việc xử lý hành vi cho nổ mìn của Bình về tội đe dọa giết người (Điều 103 BLHS) hay tội giết người (Điều 93 BLHS) mới chính xác.

Khác với viện, TAND tỉnh Bắc Giang nhận định hành vi này có dấu hiệu của tội giết người nên vừa trả hồ sơ cho viện để điều tra bổ sung. Theo tòa, việc đặt mìn, cho nổ mìn của Bình là rất nguy hiểm đến tính mạng của cả nhà thẩm phán Hòa. Rất may là gia đình nạn nhân đã thoát chết trong cả bốn lần Bình đặt mìn và điều này nằm ngoài mong muốn của Bình.

Trao đổi với tất cả các chuyên gia pháp luật mà chúng tôi hỏi ý kiến đều đồng tình với quan điểm của tòa. Theo họ, việc truy tố hành vi đặt mìn của Bình về tội đe dọa giết người là sai, bởi tội này đòi hỏi phải có yếu tố là người bị đe dọa biết có việc đe dọa và rơi vào tình trạng sợ hãi vì sự đe dọa đó. Trong khi ở đây, bị cáo hoàn toàn không đe dọa gia đình nạn nhân, chỉ âm thầm liên tục đặt mìn mà thôi.

Mặt khác, mìn là vũ khí có tính sát thương lớn, khi nổ cùng lúc có thể gây thương vong, làm chết nhiều người. Bình phải biết điều này khi đặt mìn. Hơn nữa, khi mìn nổ chưa gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe của gia đình ông Hòa, Bình lại tiếp tục đặt mìn, cho thấy bị cáo đã cố tình phạm tội đến cùng.

Vì vậy, dù hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng cần phải xử lý Bình về tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung là “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, thậm chí là cả “vì lý do công vụ của nạn nhân” theo khoản 1 Điều 93 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Ngoài ra, Bình còn phải gánh chịu các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, “phạm tội nhiều lần” theo khoản 1 Điều 48 BLHS.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm