Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội thua kiện

Chiều qua (19-6), TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ Bảo hiểm xã hội TP (BHXH TP) kiện Công ty TNHH giày dép Kwang Nam nợ tiền bảo hiểm xã hội. Đây là vụ đầu tiên được đưa ra xét xử trong số ba vụ kiện của BHXH TP đang chờ ngành tòa án giải quyết.

Năm năm nợ hơn bảy tỷ đồng

Theo BHXH TP, tháng 8-2003, khi kiểm tra chế độ bảo hiểm xã hội tại Công ty Kwang Nam (100% vốn nước ngoài) có trụ sở tại quận Phú Nhuận, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty báo cáo sai thực tế số lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thế, BHXH TP đã yêu cầu Công ty Kwang Nam truy nộp số tiền này.

Sau đó, dù đã bị nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng Công ty Kwang Nam vẫn cố tình để nợ đọng kéo dài trong khi hàng tháng vẫn trích 6% bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động. Tính đến ngày 31-12-2007, số tiền bảo hiểm xã hội phải truy nộp của những lao động đang làm việc, đã nghỉ việc và nợ tồn đọng tại Công ty Kwang Nam lên tới hơn bảy tỷ đồng (đã bao gồm cả lãi suất).

Mãi đến tháng 1-2008 (sau gần năm năm), BHXH TP mới nộp đơn khởi kiện Công ty Kwang Nam ra TAND quận Phú Nhuận. Trong lần hòa giải thứ ba, công ty này đã đồng ý trả nợ trong vòng ba tháng nhưng rồi lại không thực hiện cam kết mà xin trả nợ dần nên tòa phải đưa vụ án ra xét xử.

Cơ quan BHXH bị truy trách nhiệm

Tại phiên xử hôm qua, chủ tọa đã chất vấn ngay rằng trách nhiệm của BHXH TP ở đâu khi sai phạm diễn ra gần năm năm mới nộp đơn khởi kiện. Đại diện BHXH TP lý giải: “Biết là doanh nghiệp sai phạm nhưng BHXH TP là một đơn vị sự nghiệp, chỉ có quyền thu và thanh toán nên chỉ đôn đốc, nhắc nhở, còn việc xử lý thì do các cơ quan chức năng khác”.

Tòa “bật” lại: “Luật quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Trong khi việc thu bảo hiểm là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tại sao BHXH lại không thực hiện?”. Đại diện BHXH TP nói có một số văn bản dưới luật quy định phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm như cảnh cáo, phạt tiền... thì mới được đi kiện. Do mãi đến vừa qua các cơ quan có thẩm quyền mới thực hiện xong việc này nên BHXH TP mới kiện được.

Ngoài ra, đại diện BHXH TP còn nói phía cơ quan này đã từng nộp đơn ở một số tòa nhưng không được thụ lý với lý do luật không quy định hoặc phải chờ hướng dẫn của ngành tòa án. “Chúng tôi cũng rất bức xúc nhưng việc xử lý nhanh chậm như thế nào lại ngoài thẩm quyền của chúng tôi”. Giải thích này của phía cơ quan BHXH đã không được tòa chấp nhận vì theo Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan BHXH hoàn toàn có quyền khởi kiện và bất cứ tòa án nào cũng sẽ phải thụ lý.

Doanh nghiệp xin trả dần

Trước tòa, đại diện theo ủy quyền của Công ty Kwang Nam chấp nhận số tiền nợ mà phía BHXH TP đưa ra là đúng nhưng xin tòa xem xét cho trả dần vì công ty đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Theo đó, nếu có đối tác chịu hợp tác làm ăn chung thì công ty sẽ trả ngay lập tức, còn không thì công ty sẽ trả mỗi quý 25 ngàn USD. Ngược lại, phía BHXH TP không đồng ý, yêu cầu Công ty Kwang Nam phải trả toàn bộ nợ trong vòng ba tháng.

Tòa đã phân tích rằng nếu chấp thuận phương án của Công ty Kwang Nam thì phải bốn năm sau công ty mới trả hết nợ, chưa kể tiền bảo hiểm xã hội phát sinh trong bốn năm này. Trong khi đó, đây là lợi ích chính đáng của những người lao động đang làm ra sản phẩm cho Công ty Kwang Nam nhưng họ lại không được hưởng. Nếu Công ty không thanh toán cho BHXH TP thì lấy tiền đâu mà trả cho người lao động khi họ bị ốm đau, tai nạn lao động.

Vì thế, việc công ty xin trả dần là điều bất hợp lý, chưa kể số tiền này rất lớn và có thể phát sinh lợi nhuận trong kinh doanh. Ngoài ra, Công ty Kwang Nam đã hoạt động được 16 năm, nếu làm ăn thua lỗ thì phá sản lâu rồi chứ làm sao mà tồn tại nổi tới hôm nay. Hành vi không chịu thanh toán tiền bảo hiểm xã hội của công ty là coi thường pháp luật Việt Nam.

Cuối cùng, tòa đã tuyên bác yêu cầu trả nợ dần của Công ty Kwang Nam, buộc công ty phải trả hơn bảy tỷ đồng cho BHXH TP, hạn chót đến ngày 19-8. Ngoài ra, công ty còn phải chịu án phí hơn 27 triệu đồng.

Trao đổi, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận Trần Đình Thu - chủ tọa phiên tòa cho biết trong vụ án này, những người thiệt thòi chính là những công nhân vì họ bị tước mất quyền lợi hợp pháp từ chính nơi họ đang làm việc. “Tôi đau lòng và bức xúc trước sự thờ ơ, vô cảm của doanh nghiệp. Nhìn lại, phía BHXH TP có một phần lỗi khi đã không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Cạnh đó, các cơ quan chức năng khác cũng có một phần trách nhiệm khi không quyết liệt giải quyết, dẫn đến thiệt thòi nghiêm trọng cho những người lao động”.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM:

Hơn 55 doanh nghiệp nợ gần 44 tỷ đồng

Đến nay, đang có hơn 55 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội gần 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp quá đặc biệt như doanh nghiệp nợ kéo dài, đã nhiều lần nhắc nhở vẫn chây ỳ không chịu đóng thì cực chẳng đã chúng tôi mới khởi kiện.

Khoảng cuối năm 2007, chúng tôi đã kiện sáu doanh nghiệp. Sau đó, ba doanh nghiệp chủ động trả nợ nên chúng tôi rút đơn, một thì tòa đã xử, còn hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Giày Anjin (nợ hơn sáu tỷ đồng) và Công ty TNHH Lucky Việt Nam (nợ gần một tỷ đồng) chúng tôi đang chờ TAND quận Bình Tân giải quyết.

Chúng tôi cũng đang thỏa thuận với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP cùng làm văn bản kiến nghị UBND TP cho phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Nếu được UBND TP đồng ý, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phong tỏa tài khoản và trừ tiền của doanh nghiệp để đóng bảo hiểm xã hội, chấm dứt tình trạng nợ kéo dài như hiện nay.

N.HÀ ghi

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm