Báo động tội phạm nhí - Bài cuối

Đội trưởng Đặc nhiệm: Đừng để con rơi vào ‘vòng xoáy’

“Không chỉ có bần cùng sinh đạo tặc mà thực tế nhiều gia đình giàu có cha mẹ vì mải mê kiếm tiền, con kết bạn với người xấu không biết, con bỏ học đàn đúm bạn bè rồi đi cướp giật lúc nào cũng không hay. Nhiều phụ huynh đến bảo lãnh cho con không biết con mình thiếu gì mà đi cướp giật” - Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), nói khi chúng tôi đề cập đến các em chưa thành niên phạm tội.

Cha mẹ bận kiếm tiền, con tự “bơi”

Hơn 30 năm trong nghề hình sự, không nhớ hết đã phá bao nhiêu chuyên án cướp giật nhưng có những người sa vào vòng tù tội từ khi tuổi đời còn quá trẻ khiến ông ám ảnh.

Nhóm cướp nhí bị Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM bắt giữ. Ảnh: NT

Nguyễn Tấn Phúc (tự Phúc “lớn”), một thanh niên mới hơn 20 tuổi đã cõng trên vai bốn lệnh truy nã về các tội trộm, cướp, giết người và chưa kể hàng loạt vụ cướp giật khác mà công an đang làm rõ là một trong số đó.

“Tôi biết thằng nhỏ từ khi còn là trưởng Công an xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Khi 12, 13 tuổi nó bị bắt vì tội trộm cắp tài sản. Cha nó ở dưới An Giang mấy lần chạy lên bảo lãnh. Tôi và anh em trực tiếp gọi nó đến khuyên nhủ, trò chuyện nhưng nó không nghe. Trộm nhỏ thì bà con tha nhưng sau này nó trộm vàng, trộm tiền, giá trị tài sản lớn, công an phải lập hồ sơ đưa nó đi trại giáo dưỡng” - Trung tá Nhất nói.

Trung tá Nhất cho biết thêm: Cha mẹ Phúc làm nghề ve chai, trầy trật mới đủ sống qua ngày, không có thời gian quan tâm, dạy dỗ nên con sinh hư. “Sau này ba nó mất, nó càng sinh ra đổ đốn, cướp giật rồi giết người...” - ông nói.

Khi nghe chúng tôi kể trong những lần về trại giam các tỉnh, có những ông bố, bà mẹ đi xe hơi vào trại thăm con và họ không hiểu con mình thiếu gì lại đi cướp giật, ông cười buồn: “Đi xe hơi đã là gì, có những ông làm to làm lớn ngoài xã hội, quản lý cả trăm nhân viên nhưng có thằng con trai ở nhà lại không quản được. Nhiều ông bố, bà mẹ cứ nghĩ thương con là cho nhiều tiền, con đòi gì cũng cho, thiếu gì cũng chiều. Vứt tiền cho con mà không dạy con cách chi tiêu, quản lý, con mua gì không biết, chơi với ai không hay, bỏ học, đi cướp giật rồi mới ngớ ra thì đã muộn. Con nhà giàu vẫn đi cướp giật như thường vì bị bạn bè xấu lôi kéo, vì muốn thể hiện mình, cướp giật để bao bạn bao bè…”.

Từ thực tế công việc, ông nhận thấy nhiều tội phạm trẻ sa chân xuất phát từ gia đình không hạnh phúc, thiếu tình thương của cha mẹ: cha mẹ ly hôn, cha có hành vi bạo lực. Trẻ phạm tội như một cách phản kháng gia đình. “Nếu còn sống được với nhau thì cố gắng giữ mái ấm cho con đến tuổi trưởng thành. Nếu không thể sống được với nhau thì phải chuẩn bị tâm lý cho con. Chuyện của người lớn, sau này con sẽ hiểu nhưng con cái thì phải yêu thương, có trách nhiệm với nó” - ông Nhất nói.

Ngày trước, phải quen biết, ở cùng xóm… mới lập băng nhóm, giờ chỉ cần quen biết qua mạng xã hội đã lập băng. Ngày trước không có hàng đá, cũng chưa có súng điện, bình xịt hơi cay, súng bắn đạn bi. Ngày trước đâu có giàn cảnh trộm cắp, giàn cảnh cướp giật tinh vi như bây giờ. Ngày trước tội phạm đường phố thấy công an còn biết sợ, giờ phê lên, ngáo lên là việc gì cũng dám làm, tìm mọi cách chống trả.

Trung tá MAI THỐNG NHẤTĐội trưởng 
Đội Hình sự đặc nhiệm Công an TP.HCM
 

Cha mẹ bênh con thái quá

Khẳng định gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến con cái, ông nói: Đây phải là cái nôi đầu tiên dạy con, đừng để con hư mới đẩy ra ngoài cho xã hội dạy.

“Trước đây chưa có game, mạng xã hội… nên cách dạy con cũng khác. Tuy nhiên, có khác gì thì cái gốc “con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ” vẫn không thay đổi. Đừng lấy lý do bận công việc mà không quan tâm. Tôi là lính hình sự, đi suốt vì công việc nhưng về đến nhà, dù có mệt đến đâu cũng cố gắng xem con đã học bài chưa, đã làm hết bài tập chưa… Chừng ấy thôi, con cái đã cảm nhận sự quan tâm của cha mẹ” - ông kể chuyện.

“Tôi cảm nhận có giáo viên không còn mặn mà với việc “trồng người”, họ chỉ chú trọng vào truyền đạt kiến thức vì ngại… phụ huynh” - ông nói và phân tích: Có người ít quan tâm con cái, làm trẻ sinh hư đã đành nhưng cũng có ông bố, bà mẹ bênh con thái quá, không dạy con đến nơi đến chốn. Con bị giáo viên đánh đòn, thay vì tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, phân tích cho con hiểu thì lại lên mạng xã hội phê phán thầy cô. “Thương cho roi cho vọt. Đâu phải học trò nào cũng ngoan và thầy cô cũng là con người bình thường, sao tránh được lúc nóng tính. Con tôi hư tôi cũng đánh, đánh roi nào ra roi nấy. Phụ huynh chưa tìm hiểu nguồn cơn đã lên mạng xã hội phê phán, nhiều tờ báo, trang mạng vì giật tít, câu view, chạy đua thông tin mà không đi tìm hiểu nguồn cơn sự việc, đưa tin thiếu kiểm chứng, đẩy vấn đề đi xa. Việc làm này sẽ khiến những giáo viên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, không còn mặn mà với công việc của mình, không còn thiết tha với việc dạy kỹ năng cho các em…” - ông chia sẻ.

“Còn một vấn đề nữa là các em còn quá trẻ, chỉ vì bồng bột nhất thời mà phải vào tù nhưng khi được tự do, bị mọi người phân biệt, bàn tán. Không phải người trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua dư luận, tội lỗi để làm lại, vô tình đẩy các em lún sâu vào vòng luẩn quẩn…” - Trung tá Nhất nói.

5 nguyên nhân khiến trẻ chưa thành niên phạm tội

Theo Học viện Cảnh sát nhân dân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến người chưa thành niên phạm tội ngày càng cao, tuy nhiên có năm nguyên nhân chính sau:

• Cha mẹ ít có thời gian gần gũi với trẻ, giao việc giáo dục con cái cho nhà trường. Thiếu sự kèm cặp, giáo dục của gia đình, các em dễ tiếp thu những mặt trái của xã hội. Một số gia đình có một con nên nuông chiều con quá mức và khi không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.

• Trường học còn quá coi trọng truyền đạt kiến thức mà quên đi việc dạy trẻ về nhân cách.

• Trẻ đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần, dễ bị lôi kéo, kích động vào những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.

• Môi trường xã hội tác động sâu sắc đến nhân cách của mỗi cá nhân. Sự du nhập của văn hóa, công nghệ từ môi trường vào một cách ồ ạt, trong đó có những mặt tiêu cực nhưng chưa được uốn nắn để tạo ra sức đề kháng.

• Các hoạt động phòng ngừa riêng của các lực lượng chuyên trách còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm