Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Tái lập kiến trúc sư trưởng, nên không?

Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì qua một tháng, chúng ta lại có thêm một đô thị”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Trung Chính đã nhận xét như trên tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Quy hoạch đô thị hôm qua (10-7). Bộ Xây dựng cho biết khảo sát nhiều địa phương cho thấy nhiều đồ án quy hoạch chất lượng rất kém. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quy hoạch bị “treo”.

Thị trấn cũng có kiến trúc sư trưởng?

Theo dự luật, các thành phố thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh và một số đô thị đặc thù (kể cả thị trấn) sẽ có kiến trúc sư trưởng thành phố. Kiến trúc sư trưởng thành phố có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, giúp chính quyền thành phố về mặt chuyên môn trong việc chỉ đạo xây dựng, quản lý kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị. Kiến trúc sư trưởng hoạt động độc lập về chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND thành phố và chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Về chức danh trên, Thứ trưởng Trần Trung Chính cho biết Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án kiến trúc sư trưởng. Kiến trúc sư trưởng sẽ đóng vai trò như nhạc trưởng, giúp chủ tịch thành phố quản lý về quy hoạch, kiến trúc. Nếu đề án được Chính phủ thông qua thì sẽ được điều chỉnh bằng Luật Quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu phản đối việc tái lập, lại chức danh kiến trúc sư trưởng. PGS-TS Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, nói: “Trước chúng ta đã có mô hình kiến trúc sư trưởng nhưng đã phải bỏ đi vì rất bất hợp lý. Kiến trúc sư trưởng không nằm cụ thể trong một cơ quan nào nhưng lại nắm trong tay quá nhiều quyền lực, nhiều việc, làm không xuể. Điều này dễ dẫn đến tiêu cực”. TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phát biểu gay gắt cho rằng thế giới đã bỏ kiến trúc sư trưởng, chúng ta không nên thiết lập lại chức danh này. Theo ông Hanh, nhiều nước thành lập ủy ban quy hoạch trong các thành phố để làm nhiệm vụ quy hoạch đô thị. Dưới người đứng đầu ủy ban này là các cơ quan, tổ chức như Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải ở nước ta, các nhà khoa học, đại diện công chúng...

Chế tài cán bộ “ém” thông tin

Dự luật quy định thời hạn quy hoạch chi tiết đô thị từ ba đến năm năm. Ông Hanh cho rằng thời gian như vậy là quá ngắn, gây lãng phí tiền của, các địa phương không thể chạy theo nổi. Ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch TP Nam Định, cho rằng lúc đó quy hoạch chi tiết phải làm lại trong khi các quy hoạch khác không có gì thay đổi, như vậy các quy hoạch sẽ mâu thuẫn nhau. Theo dự án, cộng đồng dân cư có quyền tham gia vào quá trình lập và thực hiện quy hoạch đô thị thông qua tham vấn lấy ý kiến công khai. Một đại biểu kiến nghị tham vấn của cộng đồng phải được tham gia ngay từ đầu chứ không phải đến giai đoạn cuối của hoạt động quy hoạch mới được tham gia.

Về thời hạn công bố quy hoạch, dự luật ghi trong 30 ngày làm việc kể từ ngày đồ án quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND các cấp phải công bố rộng rãi quy hoạch. Các đồ án quy hoạch đô thị đã được duyệt phải được trưng bày công khai thường xuyên, liên tục bằng bản vẽ, panô, mô hình tại nơi công cộng. Trao đổi bên lề hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, nếu không có chế tài nghiêm đối với cơ quan, cán bộ có trách nhiệm công bố quy hoạch thì chuyện người dân bị “mù” thông tin về quy hoạch như lâu nay vẫn sẽ là chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Theo dự luật quy hoạch đô thị, đô thị là điểm dân cư tập trung có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của một vùng lãnh thổ, có cơ sở hạ tầng đô thị thích hợp. Quy mô dân số nội thị tối thiểu là 4.000 người, đối với miền núi tối thiểu là 2.800 người, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu là 65%. Đô thị bao gồm thành phố, thị xã và thị trấn được Chính phủ công nhận.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm