Hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng nhiều

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo, xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa CNTHCV.

Theo Bộ Công an, thời gian qua tình hình tội phạm CNTHCV có nhiều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn. Tội phạm CNTHCV xảy ra ở tất cả địa phương trong cả nước, tập trung nhất là ở các lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT, trật tự công cộng, đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự.

Đặc biệt, lực lượng thi hành công vụ bị chống đối rất đa dạng, bao gồm bộ đội biên phòng, phóng viên, công an, nhiều nhất là CSGT, lực lượng điều tra tội phạm hình sự.

Hành vi chống đối ngày càng quyết liệt, manh động, có sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, thể hiện sự thách thức, coi thường kỷ cương, pháp luật và lực lượng thi hành công vụ của người vi phạm; một số vụ chống đối có sự lôi kéo, kích động kèm theo các hành vi gây rối trật tự công cộng,...

Từ năm 2011 đến 2015, toàn quốc đã xảy ra hơn 4.000 vụ, gần 9.000 đối tượng CNTHCV, làm chết chín người, bị thương hơn 2.600 người, gây thiệt hại hơn 72,8 tỉ đồng và nhiều tài sản.

Lực lượng công an khống chế một đối tượng buôn bán ma túy có hành vi nổ súng chống trả tại Lạng Sơn.

Đặc biệt thời gian gần đây, một số vụ CNTHCV bị các đối tượng cơ hội lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận,… đã kích động, lôi kéo tụ tập đông người để phản đối, chống lại chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Theo Bộ Công an, nguyên nhân của tình trạng trên là do đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ bị xuống cấp, tha hóa, đề cao lợi ích cá nhân.

Tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà hoặc ban hành các quyết định hành chính chưa đúng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân dân còn gây nhiều bức xúc...

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về phòng, chống các vi phạm, tội phạm CNTHCV và đảm bảo các hoạt động cho lực lượng thực thi công vụ chưa đáp ứng; các chế tài xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi và hậu quả tác hại gây ra. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thiếu linh hoạt, không cần thiết, gây căng thẳng, phản ứng của người dân cũng là một nguyên nhân.

Từ những cơ sở trên, dự thảo chỉ thị đưa ra nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong phạm vi được giao và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng, chống tội phạm trong đó có đấu tranh, phòng ngừa tội phạm CNTHCV.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo tăng cường tổ chức, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội. Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng và vận động nhân dân tích cực thu hồi, giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm