KCN Lê Minh Xuân: Nước thải hôi tận óc

10 năm không có hệ thống xử lý nước thải

Tại Công ty Cao su nhựa Độc Lập - Inrubco, đại diện công ty cho biết: Công ty hoạt động cách đây 10 năm nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. “Hoạt động sản xuất của chúng tôi hầu như không có nước thải phát sinh! Khí thải cũng không có!” - vị này chắc chắn.

Thế nhưng lật nắp cống xả nước thải của DN này, thấy tràn ứ nước đen kịt, váng dầu mỡ ken dày. Tiến sĩ Mai Anh Tuấn, cán bộ Viện Tài nguyên và Môi trường, thành viên đoàn kiểm tra, nhận định: “Nước thải nhiễm dầu mỡ”. Vị đại diện công ty lại nại lý do: “Cống xả thải ở trước cổng đơn vị nên có người đã... đổ trộm dầu mỡ thải vào” (?).

Trưởng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, khoát tay: “Yêu cầu thanh tra đơn vị này ngay!”.

Ở giai đoạn cuối cùng, nước được xử lý và xả ra môi trường, dòng nước vẫn đen và sủi bọt. Ảnh: M.MINH
Ở giai đoạn cuối cùng, nước được xử lý và xả ra môi trường, dòng nước vẫn đen và sủi bọt. Ảnh: M.MINH

Tương tự như DN nêu trên, đơn vị thứ hai là Công ty Thiên Long, chuyên sản xuất các mặt hàng nhựa, cũng chưa hề có hệ thống xử lý nước thải dù đã hoạt động từ trước năm 2000. Đại diện đơn vị này cho biết đã nghe phổ biến từ Hepza là phải xây hệ thống xử lý nước thải từ hơn một tháng nay nhưng công ty mới đang... lên kế hoạch.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Lê Minh Xuân nhìn bên ngoài khá hoành tráng và sạch sẽ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phải trèo lên xem xét các bồn xử lý mới thấy được các nguồn nước thải tập trung về đây dơ đến mức độ nào. Những bể nước rộng hàng trăm mét vuông đặc sánh, đen kịt, sủi bọt và bốc khói dày đặc, mùi hôi hám lộng lên tận óc. Những đống rác dồn lại trong các bồn thu gom lầy nhầy...

Theo báo cáo của đơn vị vận hành, nước thải qua nhà máy xử lý nước thải tập trung, khi xả ra môi trường đã đạt loại B. Trưởng đoàn Nguyễn Minh Hoàng yêu cầu mở nắp cống xả nước đã qua xử lý để kiểm tra: Nước vẫn đen kịt và sủi bọt. Mẫu nước được đoàn kiểm tra lấy ngay tại hiện trường để làm chứng cứ.

Sống lay lất đến khi nào?

Không mời các hộ dân đến gặp mặt như những lần khảo sát trước, lần này đoàn kiểm tra bất ngờ đến từng nhà dân để lấy ý kiến.

Ông Nguyễn Thành Đông, ngụ tổ 5A, ấp 1, xã Tân Nhật là người vừa mất 400 kg cá nuôi vì nước đen cách đây ít tháng. “Gặp khi nước thải của KCN xả ra, cá cứ thế nổi bụng trắng rồi thối ình. Bây giờ là mùa mưa, ô nhiễm còn đỡ chứ khi vào mùa khô, ngửi mùi, ngửi khói cũng đã chịu hết nổi” - ông Đông kể.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Đức, ấp 7, xã Lê Minh Xuân phía trước mặt có kênh nước, phía sau lưng có ruộng lúa, hai bên hông là ba mẫu đất trồng hoa màu. Nhưng suốt hai năm nay, ông Đức không thể làm ăn gì. Lúa cứ héo hắt, cây không ra trái hoặc còi cọc. Vịt nuôi trên kênh được ba bữa cũng lăn ra chết. Mùa tới, ông Đức dự định sẽ xoay sang trồng tràm hoặc nuôi bò. Nhưng “Cây tràm cũng không biết có chịu được nước thối hay không, còn nuôi bò thì cũng không chắc bò có sống được không. Mới có vụ bò uống nước rồi lăn đùng ra chết ở Bình Dương, tôi cũng thấy sợ” - ông Đức lo lắng.

Chủ tịch xã Tân Nhựt, ông Nguyễn Tấn Tuyến tha thiết, “Ô nhiễm đã xảy ra bao nhiêu năm. Các nhà máy ô nhiễm di dời từ nơi khác về đây vẫn giữ nguyên công nghệ cũ, thiết bị cũ. Hàng vạn dân cứ lay lât sống thế này đến khi nào?”.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm