Lại thêm 1 phụ nữ ở TP.HCM bị lừa 600 triệu qua điện thoại

Vẫn chiêu cũ nhưng thay vì gọi điện thoại đến nhà hù dọa nạn nhân, gần đây bọn lừa đảo gọi điện thoại trực tiếp đến các cơ quan, doanh nghiệp nơi các cá nhân đó đang làm việc, yêu cầu chuyển tiền.

Một phụ nữ 52 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận lại rơi vào bẫy bọn này, mất 600 triệu đồng.

Nhiều chiêu trò lừa đảo qua điện thoại khiến người dân sập bẫy. Ảnh: PLO

Mất gần 600 triệu sau cuộc điện thoại

Trong đơn trình báo, chị H. cho biết chuyện xảy ra vào sáng 25-9. Ngày hôm ấy, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi vào điện thoại bàn từ người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện.

Người này nói rằng chị H. đã làm thẻ ATM VCB tại Hà Nội và nợ số tiền hơn 36 triệu đồng. Chị H. khẳng định chắc chắn mình chẳng nợ nần gì và cũng không hề mở tài khoản ATM nào ở Hà Nội. Nghe tới đây, người phụ nữ gợi ý sẽ kết nối cho chị nói chuyện với người đàn ông tên Đinh Văn Thắng là công an Hà Nội để làm rõ ngọn ngành.

Nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng”, chị đồng ý nói chuyện. Qua điện thoại, người tên Thắng xưng là công an nói rằng chị H. còn một thẻ ATM khác liên quan đến đường dây rửa tiền và đã có lệnh bắt giam. Người này yêu cầu chị H. phải làm trắng tài khoản bằng cách chuyển tiền vào một tài khoản chi nhánh ở Hà Nội.

Vị “công an” này khẳng định tiền vẫn ở đó, nếu không có vấn đề gì thì công an sẽ hoàn trả lại vào tài khoản cho chị.

Lo sợ bị bắt, chiều cùng ngày, chị H. vội vã ra hai ngân hàng chi nhánh ở quận 3 gửi vào số tài khoản mà bọn lừa đảo chỉ định gần 600 triệu đồng. Chuyển tiền xong mới nhận ra mình bị lừa, chị H. đã tới công an trình báo. Công an quận 3 đang lập hồ sơ xác minh, làm rõ.

Thủ đoạn lừa đảo này được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không ít nạn nhân vẫn bị lừa. Thời gian gần đây chiêu trò này bắt đầu rộ lại không chỉ ở TP.HCM mà còn nhiều tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng…  

Câu chuyện nghe một cú điện thoại, mất đứt 3 tỉ đồng gần đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Theo đó, nạn nhân bị lừa là bà NTLH (51 tuổi, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).

Bà H. đã đăng ký số điện thoại quản lý tài khoản, đăng ký địa chỉ email và tên truy cập do đối tượng này cung cấp. Chưa đầy một tuần, bà H. đã bốn lần thế chấp các sổ tiết kiệm của mình để vay tổng cộng 3 tỉ đồng, chuyển hết vào tài khoản mới mở.

Hãy dành thời gian trò chuyện với người lớn tuổi

Theo Trung tá Lê Minh Lê (Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3), với những cuộc gọi thoại thông báo nợ cước điện thoại, người dân không cần suy nghĩ mà cúp máy vì đây là thông tin lừa đảo.

“Các công ty điện thoại chỉ gửi thư để thông báo nợ cước chứ không sử dụng hộp thư thoại. Thứ hai, công an làm việc không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Khi yêu cầu người dân làm việc, công an sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc” - Trung tá Lê nhấn mạnh.

Lừa đảo qua điện thoại trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn.

Để tránh trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo qua điện thoại, cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) khuyến cáo người dân hạn chế cung cấp thông tin cá nhân với những trường hợp không cần thiết để tránh bị lộ thông tin.

Trường hợp người dân bốc máy nghe thông báo nợ cước, nợ thẻ tín dụng, nhận bưu phẩm… xác định mình không có, không nợ thì dập máy ngay, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của chúng bởi đó là lừa đảo.

Vị này cũng khẳng định công an không bao giờ làm việc, ghi lời khai qua điện thoại. Công an không yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản. Nếu bắt giữ hay thu hồi tang vật liên quan đến tiền bạc, tài sản thì phải có lệnh bắt, lập biên bản rõ ràng.

Công an khi làm việc sẽ gửi thư mời làm việc ghi rõ thời gian, địa chỉ làm việc là trụ sở công an hoặc trụ sở công an phường, trường hợp làm việc tại nhà chỉ khi người này sức khỏe quá yếu, không di chuyển được.

“Những buổi họp dân phố tuyên truyền rất nhiều về những nội dung này nhưng thực tế lại không đến được với đối tượng cần tuyên truyền. Bởi đi họp tổ dân phố đa phần là người giúp việc.

Chính chủ nhà phải đi họp để nắm bắt nội dung về phổ biến cho gia đình, nhất là với những người lớn tuổi, người về hưu, không có điều kiện tiếp cận thông tin đại chúng. Bởi đây thường là nạn nhân của những vụ lừa đảo qua điện thoại.

Có thể trong những bữa ăn gia đình, anh chị dành thời gian thay vì ăn cho xong để chạy lên phòng, hay bấm điện thoại thì kể lại cho cha mẹ, ông bà nghe những câu chuyện đọc được, phương thức thủ đoạn như thế nào để các cụ cảnh giác không bị lừa…” - cán bộ này chia sẻ.

Lệnh bắt tạm giam gửi qua… Zalo

Hiện nay, nhiều kẻ lừa đảo còn gửi cả lệnh tạm giam ghi rõ họ tên, địa chỉ, tội danh để hù nạn nhân, cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) khẳng định những tờ giấy đó đều là giả.

“Nếu người dân đó phạm tội thật thì phải có lệnh bắt. Phải có lệnh bắt và có phê chuẩn của VKS. Lệnh bắt trước khi thi hành không ai thông báo qua Zalo như vậy hết. Trước khi bắt, cơ quan điều tra sẽ liên hệ bí mật với chính quyền địa phương, khi bắt có chứng kiến của công an khu vực” - vị cán bộ khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm