Lũ chưa buông miền Trung

Hôm qua (11-11), một số nơi mưa rất to như Nam Đông (Thừa Thiên-Huế): 657 mm; Trà My (Quảng Nam): 405 mm; Khâm Đức (Quảng Nam): 283 mm, 232 mm; Sơn Giang (Quảng Ngãi): 235 mm. Mưa lớn đã làm cho lũ tại các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai và Bình Định vượt báo động ba từ 0,4 m đến 1 m.

Lũ lớn lại về Bình Định

Trong hai ngày 10 và 11-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 50-100 mm. Mưa lớn cộng với nước đầu nguồn đổ về đã làm cho mực nước các sông dâng cao từ báo động một đến trên báo động ba. Trong đó, mực nước sông Kôn tại Thạnh Hòa (An Nhơn) là 8,08 m, trên báo động ba 0,58 m; mực nước sông An Lão là 23,19 m, trên báo động hai 0,19 m; sông Lại Giang tại Bồng Sơn (Hoài Nhơn) là 5,74 m, dưới báo động một...

Nước ngập tỉnh lộ 49B (Huế) gần 1,5 m, người dân đi lại bằng thuyền. Ảnh: NGUYÊN LINH

Do nước lũ đổ về khá nhanh, nhiều khu dân cư ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân, An Nhơn, Phù Mỹ... tiếp tục bị cô lập. Nhiều tuyến đường giao thông về các xã khu đông huyện Tuy Phước, Phù Cát bị nước lũ tiếp tục chia cắt.

Đặc biệt, 1.000 tấn gạo mà Chính phủ vừa hỗ trợ Bình Định các địa phương chưa kịp cấp phát cho người dân thì lũ lại đổ về.

Từ ngày 9 đến 11-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có thêm ba người chết vì lũ.

Quảng Ngãi: Một cháu bé bị nước cuốn

Tại Quảng Ngãi, các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà đã xảy ra lũ quét.

Vào 12 giờ trưa hôm qua, nước lũ dâng cao tại ngầm Ra Nhua (xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây) đã cuốn trôi cầu treo Ra Nhua và một cháu bé 12 tuổi.

Cầu sông Liên qua tuyến quốc lộ 24, huyện Ba Tơ ngập sâu trên 1 m gây ách tắc giao thông hơn 10 giờ đồng hồ. Trụ điện cao thế tại bãi sông Liên trôi làm mất điện ở chín xã khu tây của huyện và một phần thị trấn Ba Tơ. Các tuyến giao thông về các xã vùng cao của huyện Ba Tơ như Ba Nam, Ba Trang, Ba Lế bị sạt lở nặng.

Trong khi tuyến đường Trà Bồng-Trà Phong (Quảng Ngãi) chưa được khắc phục xong thì sáng qua đã có thêm ba điểm sạt lở núi mới khiến huyện Tây Trà tiếp tục bị cô lập. Ông Hồ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết lương thực, thực phẩm cứu trợ hầu như không lên được với Tây Trà.

Nguy cơ đổ nhà khu phố cổ Hội An

Mưa lớn tại Quảng Nam suốt hôm qua làm hơn 15.000 hộ gia đình tại các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và thị xã Hội An ngập 1-1,5 m. 16 huyện, thị với trên 40.000 nhà dân bị ngập sâu trong lũ. Một cháu bé bốn tuổi tại Đại Lộc chết do lũ.

Tại huyện miền núi Nam Trà My, các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã đã hoàn toàn bị chia cắt. Tuyến quốc lộ từ Đắk Tỏ qua Nước Xa có hàng chục điểm sạt. 17 ha hoa màu bị vùi lấp và trên 5 ha đất nông nghiệp bị nước cuốn. Năm xã vùng tây huyện Quế Sơn: Quế Trung, Quế Lộc, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm cũng bị cô lập. Xã Quế Trung đã di dời khẩn gần 200 hộ dân trước nguy cơ lũ quét.

Bốn xã Ch’hy, Ga ry, Ch’um và A Xang của huyện Tây Giang hoàn toàn bị mất liên lạc do sạt lở núi và nước lũ chia cắt giao thông. Tính đến nay, gần cả tháng trời không có cách nào tiếp cận với những người dân trong các vùng này. Tuy nhiên, trước đó chính quyền đã hỗ trợ gạo dự trữ cho bà con nên dân chưa bị đói.

Tại thị xã Hội An, nước đang lên nhanh và đã vượt mức báo động ba 11 cm, nhiều tuyến đường chính trong phố cổ đã ngập sâu gần 2 m. Nguy cơ ngã đổ một số ngôi nhà cổ rất lớn.

Đến 16 giờ chiều qua, mực nước tại hồ Phú Ninh vượt trên 30 m, ban quản lý lòng hồ đã cho xả hết hai cửa tràn xả lũ gần cả ngàn m3 nước. Nhiều vùng hạ lưu ở TP Tam Kỳ đã bị ngập.

Hồi 10 giờ hôm qua, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam có công điện chỉ đạo các huyện, thị thông báo cho học sinh nghỉ học.

Sạt lở, tắc đường ở Thừa Thiên-Huế

Đến tối hôm qua đã có 50 xã, phường trong toàn tỉnh này bị ngập sâu từ 0,7 m đến 2 m. Các đường nội thị thành phố Huế ngập hoàn toàn, một số đường ngập sâu 1 m, dân phải đi lại bằng đò. Quốc lộ 49 nối với huyện Phú Vang cũng ngập sâu tương tự, huyện Quảng Điền, Phong Điền bị cô lập.

Sạt lở trên tuyến đường Trà Bồng-Quảng Ngãi. Ảnh: TẤN VŨ

Tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc huyện A Lưới bị sạt lở nghiêm trọng. Tuyến đường dài 25 km đoạn A Đớt - A Tép có đến 31 điểm sạt lở nặng, trong đó có đoạn bị hàng chục ngàn m3 đất đá sụt xuống, hàng ngàn cây gỗ lớn trôi xuống lòng đường gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Tất cả các hồ đập chứa nước ở Thừa Thiên-Huế đều đã bị tràn và đang trong tình trạng báo động nguy hiểm. Đập Truồi đã tràn hơn 3 m, đội hộ đê phải túc trực 24/24 giờ tại đập Thảo Long, đập Cửa Lát và các cống dưới đê để chủ động mở các cửa cống để tránh vỡ đập.

UBND Thừa Thiên-Huế đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương chủ động phương án di dời. Toàn tỉnh có 18.000 hộ dân với 62.423 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định ngày hôm nay (12-11) từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có mưa 100-200 mm, có nơi trên 200 mm, lũ trên các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục lên.

Thành lập Trung tâm quản lý lũ lụt Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định giao hơn 1.900 m2 đất tại phường An Mỹ, TP Tam Kỳ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai xây dựng Trung tâm quản lý lũ lụt Quảng Nam.

Trung tâm quản lý lũ lụt Quảng Nam sẽ được khởi công xây dựng giữa tháng 11-2007 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 300.000 USD. Đây là công trình hỗ trợ nhân đạo của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ giúp tỉnh Quảng Nam giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhóm phóng viên miền Trung 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm