Lừa tiểu thương để được thối 2 lần tiền

Chiêu dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng rồi làm rối trí các tiểu thương để lừa đảo nhiều lần xuất hiện do người nước ngoài thực hiện đang được các nhóm lừa đảo người Việt học hỏi. Theo ghi nhận của chúng tôi, gần đây tại TP.HCM có nhiều vụ đã xảy ra.

Chiêu lừa tờ 500.000 đồng

Theo chị Nguyễn Thị Phương Thùy, chiều tối 27-1, người đàn ông chở theo một phụ nữ trung niên dừng xe trước tiệm tạp hóa của chị trên đường Lê Lợi, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM. Người phụ nữ vào trong, còn người đàn ông đi cùng vẫn để xe nổ máy chờ sẵn bên ngoài.

Khi vào trong, người phụ nữ cầm món hàng có giá gần 100.000 đồng, miệng nói lớn: “Em ơi, bán cho chị cái này”.

Người này tiếp tục hỏi giá các món khác, đưa ra tờ 500.000 đồng cho chị Thùy và yêu cầu: “Thối lại cho chị”. Khi chủ tiệm đi lấy tiền thối thì người phụ nữ vội vàng gọi giật lại: “Thôi đưa tiền lại đây, để chị hỏi chồng có tiền lẻ không”.

Tuy nhiên, khi nhận lại tờ 500.000 đồng, người phụ nữ nhanh chóng lấy một món hàng khác và hỏi giá. Chủ hàng nghe hỏi liền trả lời ngay, người phụ nữ tiếp tục chỉ và hỏi món khác. Cuối cùng người này nói rằng mình sẽ lấy một món và nói: “Em bán mắc quá, chỗ khác bán giá rẻ hơn nhiều”.

Gặp người khách hàng khó tính và câu nói chê hàng đắt, chị Thùy phật lòng: “Chị có thể chọn các cửa hàng khác và không cần mua ở đây”. Nhưng người phụ nữ nói rằng mình muốn mua một món và yêu cầu trả lại tiền thối. Quên bẵng đi là mình đã đưa trả tờ 500.000 đồng, chị Thùy lấy hơn 400.000 đồng đưa thêm. Chỉ chờ có thế, người phụ nữ lên xe rời đi.

Theo chị Thùy, số tiền bị lừa không lớn nhưng phải buôn bán liên tục ba ngày mới có được. “Những người buôn bán nhỏ trước nhà tôi cũng từng dính phải chiêu này. Họ là những người bán rau, bán cá. Thu nhập một ngày chẳng đáng là bao” - chị Thùy nói.

Camera an ninh của tiệm tạp hóa đã ghi nhận được biển số xe, mặt của người phụ nữ. “Họ tỏ thái độ rất tự nhiên, như đã từng mua hàng ở tiệm của mình. Bên cạnh đó, cả hai đều không đội nón bảo hiểm, tóc ướt như vừa tắm xong, kiểu như họ ở gần đây để mình không nghi vấn” - người này tiếp.

Clip trong tiệm chị Thùy lan ra khu chợ Kiến Thiết gần đó thì một người bán rau cho hay cũng bị lừa tương tự. “Tôi không báo cảnh sát vì số tiền không lớn, ngại làm phiền các anh ấy” - người phụ nữ bán rau nói.

Tiệm mỹ phẩm trên đường Đình Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM) bị người phụ nữ bịt mặt lừa gần 1 triệu đồng.  (Ảnh cắt từ clip)

Camera an ninh tại tiệm tạp hóa của chị Thùy ghi nhận hình ảnh người phụ nữ lừa tiền.  (Ảnh cắt từ clip)

Chỉ có thể tự phòng bị

Trước đó, chị ĐVTT (chủ cửa hàng bán trà sữa trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) cho hay cũng từng bị lừa. “Họ thường là hai người đi chung, tỏ vẻ vội vã. Một người vào mua hàng, người còn lại đứng bên ngoài để chờ, xe luôn nổ máy” - chị T. thông tin.

Theo chị, khoảng tháng 12-2018, hai người dừng xe trước tiệm, hối nhân viên làm hai ly cà phê và đưa ra tờ 500.000 đồng. Sau khi thúc giục, họ đòi lại tờ 500.000 đồng rồi sau đó đòi tiền thối, thế là nhân viên mắc bẫy.

Một chủ tiệm trên đường Đình Phong Phú (quận 9) cũng cho biết cửa hàng từng bị cặp nam nữ lừa 400.000 đồng kèm món hàng. “Trưa đó, cặp nam nữ dừng xe cho người phụ nữ vào mua hàng. Sau khi cầm chai xịt giá 100.000 đồng và đưa tờ tiền 500.000 đồng, người phụ nữ liên tục hỏi giá các món khác rồi sau đó chê đắt… Sau khi họ đi rồi, kiểm tra lại tiền, xem lại camera an ninh tôi mới biết đã thối tiền cho họ đến hai lần mà không lấy tờ 500 ngàn của họ” - chị này kể.

“Số tiền không lớn nên tôi cũng không trình báo công an. Có lẽ những người thực hiện trò này lừa nhiều trường hợp rồi” - người này nói.

Chủ tiệm trà sữa đã dặn nhân viên lưu ý đến những vị khách mua nước mang đi khi họ đưa tiền có mệnh giá lớn rồi hối thúc làm cho bấn loạn mà thực hiện từng bước công việc, như giao hàng rồi mới giao tiền, thối tiền.

Theo một cán bộ điều tra Công an TP.HCM, nạn nhân rất dễ dính bẫy vì khó nhận biết. “Người dân chỉ có thể cảnh giác phòng tránh, đặc biệt trong những thời điểm bán hàng tần suất nhiều và lúc trưa, chập choạng tối vì lúc đó dễ mất tỉnh táo. Người bán cẩn thận hơn khi khách mua hàng giá trị nhỏ nhưng đưa tiền mệnh giá lớn và luôn miệng hối thúc, hỏi thăm để làm phân tâm người bán hàng… Người bán cần thực hiện từng bước như giao hàng, nhận tiền, thối tiền, tránh bị cuốn vào chủ đích làm rối trí của kẻ lừa đảo” - vị cán bộ điều tra nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm