Luật cần rõ, thẩm phán phải được chăm lo

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai (9-12), đại biểu ngành tòa án cả nước đã tổ chức thành từng nhóm thảo luận về công tác xét xử, tổ chức cán bộ...

Lo bị “chết oan”

Chánh án tòa án nhiều tỉnh, thành lo lắng trước chuyện thẩm phán bị sửa, hủy án nhiều sẽ không được tái bổ nhiệm, mất thi đua... Sở dĩ có chuyện này bởi TAND tối cao chưa phân biệt án bị hủy do lỗi khách quan hay do lỗi chủ quan để làm căn cứ đánh giá năng lực thẩm phán. Việc ra chỉ tiêu đánh giá “cá mè một lứa” sẽ khiến nhiều thẩm phán bị “chết oan”.

Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Khang nêu lên một vụ giết người xử từ năm 2004, bị hủy ba lần nhưng đến lần cuối thì kết quả lại y chang bản án sơ thẩm đầu tiên. Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Sơn kể thêm: Có vụ tự thiêu, tòa sơ thẩm xử xong thì hết VKSND tối cao đến TAND tối cao kháng nghị hủy án. Vì các ngành tố tụng bất nhất trong quan điểm xử lý khiến thẩm phán rơi vào thế khó xử, không biết mình mắc lỗi hay không mà vẫn phải gánh hậu quả hủy án.

Nhiều đại biểu khác cũng phàn nàn rằng pháp luật chỉ có một nhưng mỗi nơi lại hiểu và áp dụng một kiểu. Có vụ nhiều lần tòa cấp dưới hỏi ý kiến thì tòa chuyên trách tòa tối cao trả lời là không kháng nghị hủy được, vậy mà đùng một cái sau đó lãnh đạo TAND tối cao lại kháng nghị. Một thẩm phán khác ngậm ngùi cho biết mấy năm qua ông không được chiến sĩ thi đua cũng bởi vướng vào việc án hủy, sửa mà thực ra có nhiều án bị oan...

Theo các đại biểu, vấn đề nào khắc phục được thì cấp phúc thẩm nên làm ngay chứ đừng đẩy trở lại. Rất nhiều bản án sơ thẩm bị trả lại chỉ để bổ sung những chi tiết lặt vặt mà cấp phúc thẩm có thể giải quyết được. Mặt khác, trong tình trạng còn rắc rối về quan điểm xử án, tình hình thực tế có chuyển biến... thì không thể đánh đồng kiểu sai nào cũng như nhau. Có như vậy mới nhìn nhận đúng năng lực, phẩm chất cán bộ, giúp thẩm phán an tâm công tác, tránh những ức chế không cần thiết.

Luật chưa rõ

Một thẩm phán TAND tối cao nhìn nhận nguyên nhân lớn khiến cấp sơ thẩm phản ứng với cấp phúc thẩm về án bị hủy, sửa là do quy định chưa rõ ràng, đầy đủ... làm hai cấp hiểu khác nhau.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Theo Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa Huỳnh Sáng, TAND tối cao cần xây dựng một nghị quyết riêng về đánh giá chứng cứ (hiện các nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc... đều đã có). Nếu không, các tòa đánh giá chứng cứ khác nhau, mỗi hội đồng xét xử lại có cái nhìn chủ quan khác nhau làm cho vụ án khi thế này, lúc thế khác. Ông Luận còn đề xuất các tòa chuyên trách TAND tối cao cho địa phương “gặp gỡ” mỗi năm một lần để rút kinh nghiệm, nghe phản ánh...

Nhiều đại biểu khác cũng chỉ ra hàng loạt quy định chưa rõ, gây nhiều cách hiểu và đề nghị có hướng dẫn. Theo đại diện TAND tỉnh Trà Vinh, TAND tối cao cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực đất đai. Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh nói đến nay vẫn chỉ mới có 20 thông tư liên tịch hướng dẫn BLHS năm 1999, vẫn còn thiếu nhiều hướng dẫn khác. Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM nêu có những hướng dẫn của TAND tối cao không được công an, VKS đồng tình, gây khó khăn cho các tòa khi xử lý, gây mâu thuẫn không đáng có giữa các ngành tố tụng.

Cạnh đó, còn một số trường hợp lấn cấn tội danh cần hướng dẫn kịp thời để giải quyết như làm sao xác định vật phạm pháp lớn, rất lớn, đặc biệt lớn... trong tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới lại có ba quan điểm xử lý khác nhau: trốn thuế, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới...

Ông Trần Văn Tú, Phó Chánh án TAND tối cao, kết luận: Các vấn đề chung sẽ họp Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, sau đó có văn bản. Việc đánh giá chứng cứ, trước mắt chánh án các tòa địa phương trao đổi thông tin liên quan đến vụ án với cấp phúc thẩm để có cái nhìn “tương đối đúng” về hệ thống chứng cứ của vụ án. Còn việc rút kinh nghiệm giữa hai cấp sơ, phúc thẩm thì ngành tòa án đã làm nhiều lần, có kết quả tốt. Riêng giữa cấp giám đốc thẩm với sơ thẩm chưa làm được nên sẽ nghiên cứu tiếp.

Biên chế “chắp vá”

Theo Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng, việc tái bổ nhiệm thẩm phán hiện vẫn còn chậm khiến công việc bị ngưng trệ. Ông Tùng còn bảo nên để chánh án tòa tỉnh bổ nhiệm thẩm phán cấp huyện bởi chính họ mới là người nắm rõ tình hình địa phương nhất.

Đại diện TAND tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng hiện biên chế ngành còn đang trong giai đoạn “chắp vá”, cần khắc phục ngay. Ông nói: “Án tăng mà biên chế không tăng, làm sao bảo đảm cho các tòa có thể hoàn thành công việc như mong đợi. Đã đến lúc không thể nói mãi mà cần có đề án cụ thể để giải quyết”.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Cần Thơ, “nhiều thẩm phán thường đùa vui là sẽ cố làm nhưng cố quá thì thành “quá cố”. Đáng chú ý hơn, do thiếu người nên thẩm phán phải gánh nhiều việc, không còn thời gian để học tập, trau dồi thêm kiến thức. Cán bộ tòa có trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ là rất ít”.

Đại diện TAND tỉnh Tiền Giang bức xúc về biên chế cho cán bộ thi hành án hình sự. 10 năm nay chỉ có một cán bộ theo dõi thi hành án hình sự ở tòa này. Án nhiều, vị này không thể đáp ứng được việc quản lý án treo và cải tạo không giam giữ. Đó cũng là tình trạng chung của các tòa khác nên nhiều tòa đã yêu cầu có thêm biên chế về kế toán, văn thư, bảo vệ, cán bộ phụ trách thi hành án...

Ông Trần Văn Tú cho biết: Năm 2009, TAND tối cao sẽ xin chung cho toàn ngành 4.000 biên chế, trong đó một nửa là thẩm phán. TAND tối cao sẽ công khai biên chế theo lượng án, công việc... và sẽ mời từng chánh án đến nghe họ “thuyết minh” về nhu cầu, trên cơ sở đó sẽ phân bổ biên chế hợp lý.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm