Năm nay hứng chịu từ sáu đến tám cơn bão mạnh

Hôm qua (17-5), Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn đã họp trực tuyến với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để rút kinh nghiệm trong phòng chống lụt bão, đồng thời triển khai công tác phòng chống lụt bão trong năm.

Phương tiện cứu hộ còn thô sơ

“Hàng năm Việt Nam phải hứng chịu nhiều cơn bão, lũ lụt nhưng hiện nay vẫn chưa có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, bộ phận làm nhiệm vụ này chỉ là kiêm nhiệm với trang bị rất thô sơ”. Đó là day dứt chung của các đại biểu. Có đại biểu cho rằng trang thiết bị cứu hộ của nhà nước còn kém xa của tư nhân.

Ông Bùi Chuẩn - Văn phòng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng - nhận xét: “Ta có rất ít phương tiện chuyên dụng. Phương tiện chủ yếu vẫn là xuồng máy. Xuồng máy khi chạy tạo sóng lớn, vào khu dân cư dễ làm đổ nhà dân. Việc cứu hộ của ta chỉ dựa vào sức người là chính. Những hạn chế này đã làm cho việc cứu hộ bị chậm trễ và thiệt hại về người không đáng có.”

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng đề án về xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, ông Chuẩn tỏ ra nghi ngại: “Không biết đến khi nào thì đề án đó mới được triển khai? Thực hiện rồi thì liệu khoản kinh phí chi cho trang bị phương tiện cứu hộ có thông suốt hay lại bị tắc ở đủ đường?”.

Bão sẽ dồn dập

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương thì từ năm 2005 trở lại đây, bão mạnh có xu hướng tăng lên. Năm nay lũ lụt sẽ mạnh hơn bình thường, nhiều khả năng Việt Nam sẽ hứng chịu từ sáu đến tám cơn bão mạnh. Đặc biệt, khu vực Nam bộ và Tây Nguyên có thể xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây ngập úng.

Sự bất thường của thời tiết được thể hiện rõ qua cơn bão số 1 vừa qua. Cơn bão này đến sớm gần hai tháng, hình thành trái với quy luật trong vòng mấy chục năm qua. Sự bất thường của thời tiết còn thể hiện ở việc sau khi hiện tượng La Nina suy yếu (tháng 1-2008) đã có hai cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở phía nam biển Đông và gây mưa lớn trái mùa ở Nam bộ và Trung bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành cho biết: “Việc dự báo động đất và sóng thần là rất khó”. Còn Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chúng ta phải tính đối phó với động đất và sóng thần. Đợt diễn tập về sóng thần vừa qua đã cho thấy yếu kém của chúng ta trong việc đối phó với thiên tai này. May mà hôm đó không có... sóng thần!”.

Chế tài với người không tránh bão

Theo đại tá Quang Nhâm, đại điện bộ đội biên phòng: “Nhiều chủ thuyền còn giấu ngư trường, giấu tần số... nên việc thông tin và cứu hộ là rất khó khăn”. Nhiều ý kiến đề xuất phải có chế tài đối với trường hợp chủ tàu cố tình ra khơi hoặc không chịu quay lại vào bờ, người dân cố bám nhà khi có dự báo bão...

Vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là nhà tạm, nhà tranh tre nên dễ bị tổn thất khi có bão. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương yêu cầu rà soát kỹ, lập phương án chi tiết tới từng ấp, từng hộ và triển khai toàn diện phương án sơ tán dân ra khỏi vùng trũng. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Hiện Chính phủ đang xem xét chương trình phát triển cụm tuyến dân cư Đồng Tháp. Trong tuần tới tại miền Trung, Bộ Xây dựng sẽ bàn về mô hình xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng để phòng chống lụt bão”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nắm thông tin từ trước và chuẩn bị kỹ biện pháp ứng phó là yếu tố rất quan trọng khi xảy ra lụt bão. “Thực tế cho thấy có trường hợp chúng ta chỉ chuyển có 10 tấn mì tôm đến vùng bão lũ nhưng phải đi qua mấy tỉnh thì mới đến được nơi cần cứu trợ trong khi ngay cạnh tỉnh đó cũng có sẵn nguồn hàng mì tôm. Nếu không nắm được thông tin từ trước thì rất khó cho việc điều hành khi có lũ lụt xảy ra.”

Bão Hạ Long đổ bộ Philippines

Gió mạnh cấp 7 từ Bình Thuận đến Cà Mau.

Cơn bão số 2 (còn gọi là bão Hạ Long) hiện di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi khoảng 15 km. Đến 10 giờ ngày hôm nay (18-5), vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 121,4 độ kinh đông, trên đất liền ở phía bắc đảo Luzon (Philippines), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/giờ), giật trên cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên, bán kính khoảng 300 km. Trong 24 giờ tới, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km, vượt qua đảo Luzon đi vào vùng biển tây bắc Thái Bình Dương.

Đường đi của bão về hướng Nhật.
Đường đi của bão về hướng Nhật.

Trước đó, cơ quan dự báo thời tiết Philippines đã cảnh báo bão cấp ba (sức gió 100-185 km/giờ) ở sáu tỉnh trên đảo Luzon và yêu cầu người dân sống ở các khu vực thấp và gần triền núi phải cảnh giác nguy cơ lũ quét và lở đất.

Vào đầu tuần, bão Hạ Long đã gây mưa trái mùa trên đảo Luzon và các đảo ở miền Trung Philippines. Mưa lớn đã gây lũ lụt, làm hai phụ nữ thiệt mạng. Hàng ngàn người phải đi sơ tán.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau của nước ta có gió mạnh cấp 6, cấp 7...

H.VÂN - T. ANH (Theo AFP, GMANews.TV)

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm