Nghi có cán bộ ngân hàng tiếp tay cho nhóm lừa đảo

Clip: 2 đối tượng tại cơ quan điều tra.

Công an quận 1, TP.HCM tạm giữ Nguyễn Hữu Trọng (sinh 1990, trú Long An) và Hà Thị Nga (sinh năm 1980, trú Long An) để điều tra xử lý về hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn lừa đảo mới

Trước đó, chiều 16-3, Hà Thị Nga sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả mang tên Đ. có dán hình của Nga đến Bưu điện TP.HCM (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) làm thủ tục rút 40 triệu đồng từ một ngân hàng giải ngân cho người tên Đ. vay.

Trọng và Nga tại cơ quan công an.

Tuy nhiên, nữ nhân viên bưu điện phát hiện thông tin trên CMND không khớp. Nhân viên điện cho người đăng ký vay tiền thì người này cho biết đang ở Vĩnh Long và chưa lên TP.HCM rút tiền. Nhân viên đã  hô hoán cho bảo vệ bắt giữ Nga.

Nga khai tại cơ quan điều tra được Nguyễn Hữu Trọng rủ đi rút tiền và trả công mỗi lần là 1 triệu đồng. Nga đồng ý và đến nhà Trọng để Phùng Thế Kiên ( trú Hà Nội) chụp hình thẻ cho Nga và 4 người khác.
Sau đó, Trọng và Nga đến nhà Kiên gặp Khải (bạn của Kiên) để Kiên, Khải hướng dẫn Nga cách thức dùng CMND giả rút tiền tại các bưu điện. Ngày 16-3, Trọng đưa cho Nga giấy CMND giả mang tên H. có dán hình Nga cùng mã số bí mật để đến bưu điện rút tiền.
Trước đó Nga từng thực hiện một vụ tương tự và được trả công 1 triệu.
Công an triệu tập, Kiên khai  ngày 27-2, Kiên gặp bạn cùng làm công ty trước đây là Tống Hoàng Khải (ngụ Tiên Giang). Qua trò chuyện, Khải nhờ Kiên tìm người rút tiền tại các bưu điện sẽ trả công mỗi lần là 5 triệu, còn những người khác chỉ được 1 đến 2 triệu.
Sau đó Kiên báo Trọng rủ thêm người đi rút tiền dùm Khải sẽ được Kiên cho thêm 500 ngàn đồng/lần. Trọng đồng ý và rủ Nga cùng khoảng 4 người khác đến nhà Trọng để Kiên chụp hình thẻ rồi gửi qua mail cho Khải làm CMND.
Tuy nhiên, Kiên thay đổi ý định, không tham gia rút tiền cho Khải. Ngày 28-2, Kiên nói rõ với Trọng và Nga rằng dùng CMND giả rút tiền là vi phạm pháp luật và không liên lạc với Khải, Nga và Trọng nữa. Từ đó, Nga và Trọng liên hệ trực tiếp với Khải để được cung cấp CMND mã số bí mật. Tất cả số tiền đều được đưa cho Khải, Nga và Trọng chỉ nhận tiền công.
Riêng Trọng và Nga từ 6-3 đến 16-3 rút nhiều lần ở các bưu điện Tân An, Thủ Đức… với số tiền lên đến trên 100 triệu đồng.
Lợi dụng kẽ hở của ngân hàng
Theo một cán bộ điều tra, chính sách giải ngân qua bưu điện của ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng đã bị nhóm lừa đảo này lợi dụng. Cụ thể, khi người vay vốn làm hồ sơ và cung cấp thông tin cho ngân hàng và  được cấp một mã số khách hàng. Tuy nhiên, khoảng 1.000 nhân viên ngân hàng đều có thể tiếp cận những thông tin này.
Công an không loại trừ khả năng đường dây lừa đảo này có “tay trong” ở ngân hàng. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, khi khách hàng được giải ngân, ngân hàng gửi một tin nhắn có mã số bí mật gồm 14 ký tự sẽ được nhắn qua điện thoại của khách hàng. 14 ký tự có 8 ký tự đầu là chung cho nhiều khách hàng, 6 ký tự sau là mã số bí mật.

Nhiều giấy CMND giả được lực lượng chức năng phát hiện thu giữ.

“Có thể trong nhóm có “tay trong” nên các đối tượng biết được khi nào khách hàng được giải ngân, khi nào khách hàng nhận được tin nhắn nên tiến hành chuẩn bị giấy tờ giả. Khi khác hàng nhận được mã số bí mật thì chỉ cần khoảng 10 phút sau, các đối tượng tiến hành điện thoại giả danh là nhân viên ngân hàng gọi tới lừa đảo. Để tạo niềm tin, những thông tin của khách hàng sẽ được đọc cùng 8 ký tự đầu của mã số. Phần đa khách hàng đều tin là nhân viên ngân hàng nên cung cấp 6 chữ số quan trọng còn lại” – một cán bộ điều tra nói.

Theo cảnh sát với thủ đoạn kể trên, nhóm đối tượng đã lừa đảo trên 100 vụ với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Được biết, khi làm việc với công an, vợ Khải khai  biết chồng cùng em gái chồng là Tống Thị Hoàng Y. làm dịch vụ vay vốn tại một ngân hàng khoảng 6 tháng nay. Cảnh sát phát hiện trong điện thoại của vợ Khải nhiều hình ảnh có liên quan đến vay vốn ngân hàng và hình ảnh nhiều người để dùng làm CMND giả.
 Công an hiện đang truy bắt Khải cùng các đối tượng có liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm