Người dân bớt nỗi lo tai nạn

Cầu vượt cho người đi bộ nên phân luồng lên xuống rõ ràng. Ảnh: NH
Cầu vượt cho người đi bộ nên phân luồng lên xuống rõ ràng. Ảnh: NH

Anh Trần Long Giang (Thanh Xuân) cho biết: “Tôi đang có người nhà điều trị ở bệnh viện. Nhiều khi có việc muốn sang đường bên kia, ngại đi bộ sang đường bên kia lắm, trong khi đó luồng giao thông trên đường đang có nhiều xe cộ, qua đường rất nguy hiểm, chỉ chờ đèn đỏ mới dám sang.

Nhưng từ khi cầu vượt dành cho người đi bộ đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi đi sang đường cảm thấy an toàn hơn rất nhiều".

Trong vòng 20 phút mà có tới hàng trăm lượt người dân đi bộ qua lại bằng cầu vượt, điều này cho thấy nhu cầu đi bộ sang đường của người dân rất lớn, nếu không có cầu vượt thì người dân vẫn sang đường theo cách... nguy hiểm.

Từ khi cầu vượt đưa vào sử dụng, những người đi bộ (chủ yếu là người nhà bệnh nhân điều trị trong bệnh viện) có thể hoàn toàn yên tâm sang đường mà không còn tâm trạng lo sợ “va chạm” với các phương tiện đang đi trên đường.

Có thể thấy sự phấn khởi và đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân về cây cầu vượt đầu tiên dành cho người đi bộ. Lực lượng CSGT đảm bảo an toàn giao thông khu vực cũng giảm bớt được áp lực công việc.

Trung tá Phạm Văn Hiển - Đội CSGT số 4, Công an TP.Hà Nội cho biết: “Ngã tư Giải Phóng - Lê Thanh Nghị là một trong những điểm nóng về trật tự an toàn giao thông, giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, thậm chí cả tai nạn giao thông, nên có lúc chúng tôi phải huy động tới 5 - 6 chiến sỹ làm nhiệm vụ.

Từ ngày cầu vượt đưa vào sử dụng thì tai nạn không còn nữa, cảnh ùn tắc giao thông giảm đáng kể, công việc của các chiến sỹ cũng đỡ vất vả hơn".

Song bên cạnh những tiện ích mà cầu vượt dành cho người đi bộ mang lại thì chúng tôi thấy còn một số điều đáng bàn. Cầu vượt dành cho khách bộ hành đầu tiên dài gần 100m mà không hề có bất kỳ một biển báo, biển chỉ dẫn hay quy định việc sử dụng cầu theo đúng quy định. Vì vậy, việc sử dụng cầu vượt không đúng mục đích cũng là cả một vấn đề.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều người lên cầu lại không sang đường, mà chỉ lên tham quan rồi đứng sát tay vịn vào thành cầu để “ngắm” các phương tiện giao thông qua lại. Thậm chí có một số người vứt cả rác thải, túi nilong, giấy vụn... trên cầu; có trường hợp còn dùng cầu vượt làm nơi “thản nhiên ngồi tâm sự” ngay bậc lên xuống gây khó chịu cho khách bộ hành...

Nhiều người dân cho rằng, điểm lên xuống cầu phải ngăn ra rõ ràng, bởi những hôm đông người quá xảy ra cảnh chen chúc, xô đẩy lên xuống cầu, dễ dẫn đến cảnh “ùn tắc cầu”.

Theo VnMedia

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm