Người dân còn thiếu hiểu biết khi sử dụng gas

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 24 vụ cháy trong kinh doanh, sử dụng gas. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC, đây là con số gia tăng đột biến đáng báo động mà nguyên nhân phần lớn từ sự chủ quan, thiếu hiểu biết của nhiều người dân về loại khí đốt hóa lỏng này.

Hợp đồng cung cấp gas - rất ít người quan tâm

"Một nghịch lý là hiện nay, khí gas đã trở thành chất đốt chính phục vụ sinh hoạt của người dân nhưng không phải ai cũng hiểu biết về đặc tính của nó. Điều này dẫn đến việc không thực hiện đúng quy trình trong sử dụng bếp gas, quy trình lắp đặt, thay bình gas và xử lý sự cố" - Thượng tá Trần Văn Vụ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC cho biết.

Cần mua gas ở cửa hàng có uy tín và ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm.
Cần mua gas ở cửa hàng có uy tín và ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm.

Dẫn chứng điều này, Trung tá Lê Phi Hùng - cán bộ Đội Tham mưu tổng hợp kể câu chuyện có thật, một gia đình ở Bách Khoa khi đi làm về, mở cửa phát hiện có mùi gas rò rỉ liền ù té chạy và gọi cứu hỏa. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến, các thành viên trong gia đình nọ vẫn không dám vào nhà. Đợi đến khi Cảnh sát PCCC kiểm tra, xử lý sự cố và thông báo an toàn, họ mới rón rén trở lại chính ngôi nhà của mình.

Việc sử dụng bình gas du lịch nạp lại cũng là một điển hình về thiếu hiểu biết và tâm lý chủ quan của người dân. Chưa có một thống kê cụ thể về lượng tiêu thụ loại bình gas này trên thị trường, nhưng chỉ làm phép tính đơn giản với hàng trăm khu nhà trọ, hệ thống hàng ăn lớn nhỏ từ các phố chính đến ngóc ngách… có sử dụng bếp gas du lịch, thì con số tiêu thụ một ngày lên đến hàng ngàn bình. Trong khi tại miền Bắc, chưa có một cơ sở nào được phép sản xuất và sang chiết bình gas du lịch, thì số bình gas đang hiện hữu trên thị trường chỉ có thể được sang chiết trái phép từ các cơ sở "chui".

Chỉ vì sự tiện lợi của loại bình gas này mà bất chấp nguy hiểm, tai nạn đáng tiếc xảy ra là điều không tránh khỏi. Điển hình như ngày 17/4, tại một quán bia hơi trên phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, do sử dụng bình gas du lịch đã sang chiết nạp nhiều lần dẫn đến sự cố cháy nổ bình ngay trên bàn nhậu làm 5 người bị thương. 2 ngày sau đó, một gia đình ở Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm cũng bị một phen kinh hoàng khi bình gas du lịch phát nổ trong bữa cơm trưa làm 5 người phải vào bệnh viện cấp cứu.

Một bất cập từ trước đến nay mà người tiêu dùng không mấy chú ý đến, đó là việc yêu cầu cơ sở cung cấp gas ký hợp đồng. Trong khi các dịch vụ khác như điện, nước… đều có hợp đồng thì đối với loại chất đốt sử dụng thường xuyên này, phần đông người dân đã bỏ qua thủ tục ràng buộc trách nhiệm của nhà cung cấp, dẫn đến tranh cãi phức tạp khi xảy ra sự cố mà hậu quả thiệt thòi vẫn thuộc về người tiêu dùng. Theo Phòng Cảnh sát PCCC, trong các vụ cháy gas, khi truy cứu trách nhiệm, chính vì không có hợp đồng giữa 2 bên nên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Cần sử dụng bếp gas đúng cách

Theo chuyên gia của Petrolimex, những nguy hiểm và nguyên nhân cháy, nổ thường gặp khi sử dụng bếp gas chủ yếu ở các dạng sau: Đối với bếp gas cố định, khoảng cách từ nơi để bếp gas đến nơi để bình không đảm bảo (theo khuyến cáo là 1,5m) khiến bức xạ nhiệt của ngọn lửa bếp gas tác động làm nhiệt độ thành bình vượt quá quy định, áp suất trong bình tăng quá ngưỡng cho phép làm khí gas xì ra khỏi bình bắt cháy cùng ngọn lửa trên bếp gas. Nhiều gia đình để bình gas tại nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.

Theo tiêu chuẩn quy định, các bình khí nén có nguy hiểm cháy, nổ không được để ở nơi có nhiệt độ quá 50oC. Khi có ánh nắng chiếu trực tiếp vào, bề mặt thành bình có thể vượt quá 60oC. Bên cạnh đó, quá trình đun nấu, dầu mỡ thức ăn bắn ra bám vào mặt bếp, đặc biệt trên bề mặt ống dẫn gas. Khi đun nấu, nhiệt độ của ngọn lửa gây bắt cháy lớp dầu mỡ này, bắt cháy bình gas dẫn đến cháy lớn.

Một nguyên nhân khác là rò rỉ khí gas do ống dẫn gas bị thủng, việc đấu nối dây dẫn với bếp, bình gas không kín và chặt, việc vặn van cổ bình gas không kín. Đối với loại bếp gas du lịch sử dụng bình gas nạp lại là mối nguy cơ cháy nổ cao nhất trong việc sử dụng bếp gas dân dụng. Do đó, khuyến cáo đối với người dân là tuyệt đối không sử dụng bình gas du lịch nạp lại. Trong quá trình sử dụng bếp gas cần thường xuyên vệ sinh bếp, kiểm tra ống dẫn, khi không dùng bếp luôn tắt theo trình tự khóa van bình gas và đóng van của bếp gas.

Hà Nội: Tai nạn bỏng trong khi sử dụng bếp gas

Khoảng 10h30' ngày 4/6, Khoa điều trị Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội tiếp nhận anh Nguyễn Văn, nhà ở phố Trần Nhân Tông bị bỏng mặt, 2 cẳng tay, 2 chân, độ bỏng I, II, III với diện tích 50% cơ thể. Nguyên nhân của tai nạn trên, theo chị Thùy - người nhà bệnh nhân kể lại, trước đó khi thấy người nhà đang sử dụng bếp gas (cố định) để đun nấu có phát hiện tiếng xì phát ra từ phía van khóa - đoạn nối dây dẫn gas vào bình gas, anh Văn đã chạy tới và dùng tay khóa van lại. Trong quá trình khóa van, ngọn lửa đã bùng lên từ dây dẫn gas làm anh bị bỏng nặng. Nguyên nhân của vụ tai nạn trên đang được lực lượng PCCC điều tra làm rõ.

Trí Lễ

Theo H.Vũ (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm