Nhiều loại ma túy lọt sổ danh mục cấm

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), ba tháng đầu năm 2018, hoạt động của tội phạm liên quan đến ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, từ mua bán, sản xuất đến sử dụng.

Nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia đã được triệt xóa như vụ bắt giữ 489 bánh heroin ở Điện Biên, bắt giữ 288 bánh heroin ở Cao Bằng…

Lượng heroin bắt giữ tăng bốn lần

Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã bắt giữ gần 6.800 vụ với hơn 9.700 người liên quan (tăng 1.000 vụ và 1.000 người so với ba tháng đầu năm 2017). Công an đã thu giữ hơn hai tấn ma túy các loại (heroin, viên ma túy tổng hợp (MTTH), cần sa, thuốc phiện), chín khẩu súng, 41 viên đạn, một quả lựu đạn và nhiều phương tiện, tài sản có liên quan.

So với cùng kỳ năm 2017, lượng heroin thu giữ được tăng gần bốn lần (tăng 380 kg), MTTH tăng gần sáu lần (tăng gần 500.000 viên).

Đặc biệt, qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công an các đơn vị, địa phương phát hiện nhiều loại ma túy mới nhưng những chất trong các loại này lại chưa có trong danh mục các chất ma túy và tiền chất theo quy định của Chính phủ.

Tại Bình Dương, công an phát hiện mẫu thực vật khô gửi qua đường bưu điện với số lượng nhiều có nhiều điểm bất thường nên trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự. Kết quả giám định những mẫu thực vật khô phát hiện có thành phần chất 5-Fluoro ADB (còn gọi là 5F-MDMB-PINACA). Đây là chất gây ảo giác thuộc nhóm cần sa tổng hợp nhưng ở Việt Nam chưa được quản lý trong danh mục các chất ma túy và tiền chất theo quy định của Chính phủ, cũng như thông tư của Bộ Y tế về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc.

Một số mẫu thực vật tẩm ướp có chứa thành phần cần sa tổng hợp chưa có trong danh mục các chất ma túy.  Ảnh: TL

Trước đó, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Tuyên Quang bắt giữ những người vận chuyển các gói nhỏ lá cây xay vụn, lá cây xắt nhuyễn. Kết quả giám định phát hiện có chất AMB-Fubinaca và chất AMB.

Theo lãnh đạo C47, các chất AMB và AMB-Fubinaca là những chất mới trong nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng gây ảo giác tương tự Delte 9-TDC (là hoạt chất chính trong cần sa). Tuy nhiên, các chất trên chưa có trong danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành, cũng như chưa có trong danh mục các điều ước quốc tế về ma túy mà Việt Nam tham gia nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý.

Ngoài những chất ma túy chưa có trong danh mục nêu trên, công an cũng phát hiện các loại MTTH mới với đủ chủng loại, mẫu mã, thành phần dạng viên nén, bột, tinh thể, dạng nước, thảo mộc xay vụn…

Khó kiểm soát các loại ma túy mới

Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Đấu tranh với tội phạm MTTH và tiền chất, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, cho biết MTTH được sản xuất ra từ các loại tiền chất. Mỗi loại tiền chất tương ứng lại có thể điều chế ra một chất MTTH mới. Tội phạm có thể tổng hợp một hoặc nhiều loại tiền chất khác nhau để cho ra các loại ma túy mới, thậm chí cũng các loại tiền chất đó nhưng pha trộn tỉ lệ khác nhau cũng cho ra các loại ma túy khác nhau. Do vậy, MTTH mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát.

Nghị định 126/2015 của Chính phủ về danh mục các chất ma túy và tiền chất đã bổ sung một số chất nhưng vừa bổ sung đã lạc hậu vì sau đó đã xuất hiện một số chất ma túy và tiền chất mới.

Hiện công an tăng cường ngăn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam nên tội phạm đang tìm cách sản xuất MTTH trong nước để cung cấp cho người nghiện. Trong khi đó, công tác quản lý tiền chất ở dạng hợp chất vẫn còn những kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng để sản xuất MTTH.

Theo Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, một chất trở thành chất ma túy phải đưa vào danh mục Chính phủ quản lý. Trong khi một số chất MTTH mới xuất hiện ở Việt Nam chưa có trong danh mục nên Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang phối hợp với các cơ quan chức năng tổng hợp để sớm tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kiến nghị với Chính phủ đưa vào danh mục để quản lý, kiểm soát.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kiêm Cục trưởng C47, cho biết thời gian tới sẽ tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, các tụ điểm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không để phức tạp trở lại.

C47 sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành công an trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, trên biển ngăn chặn có hiệu quả ma túy thẩm lậu vào Việt Nam; tăng cường quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn… không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm