Những phán quyết “trời ơi”!

Theo quy định, bản án đã có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành. Tuy nhiên, rất nhiều phán quyết của tòa lại “lửng lơ”, xa rời thực tế nên cơ quan thi hành án bó tay. Thực trạng không mới này vẫn đang gây bức xúc trong xã hội, làm thiệt hại nặng nề cho đương sự.

Nhiều người đã phải đổ bao sức lực, thời gian, tiền bạc để đeo đuổi vụ kiện của mình. Vậy mà khi tòa tuyên phần thắng thuộc về họ, chưa hẳn mọi chuyện đã xong, bởi rất có thể họ lại phải bước vào một “cuộc chiến” dằng dai khác - “cuộc chiến” thi hành án (THA) chỉ vì phán quyết của tòa “có vấn đề”.

Tuyên án... nửa vời

Xử vụ Bùi Văn Hoán lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, TAND TP.HCM và Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đều chung nhận định: Bị cáo chuyển nhượng đất không đảm bảo thủ tục giấy tờ chủ quyền nên việc chuyển nhượng là vô hiệu; cần giữ nguyên hiện trạng, giao lại đất cho các chủ sử dụng cũ sau khi những người này nộp lại tiền, vàng mà họ đã nhận của Hoán.

Tuy nhiên, trong phần quyết định của cả hai bản án sơ, phúc thẩm đều không có nội dung tuyên giao lại đất cho các chủ cũ. Chỉ vì cách tuyên nửa vời trên mà bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật đã gần 10 năm nay nhưng các chủ đất cũ vẫn chưa lấy lại được đất dù nhiều người đã thi hành xong nghĩa vụ nộp tiền, vàng từ lâu.

Nói về chuyện tòa tuyên án nửa vời, Cục trưởng Cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Luyện kể: “Ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có vụ hai đương sự kiện nhau về quyền sử dụng đất. Cả hai cấp sơ, phúc thẩm đều tuyên đất đó của ông A. Sau đó, ông A. đã xây biệt thự hợp pháp trên đất này. Đến cấp giám đốc thẩm thì tòa tuyên đất đó là của ông B. nhưng không đả động gì đến biệt thự của ông A. trên đất đó. Vậy THA biết giải quyết thế nào? Nếu THA cưỡng chế đập nhà thì sẽ bị kiện lên... tận trời xanh”!

Tuyên... “rút gọn”

Năm 2003, giải quyết một vụ chia tài sản thừa kế, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án gọn lỏn: “Giao cho ông Trần Quang Thanh được sở hữu nhà số 4, đường Nguyễn Thị Lựu, phường Trần Phú, thị xã Bắc Giang (nhà cấp 3c... trên diện tích đất ở là 30,52 m2)”.

Như vậy, phần quyết định của bản án đã “bỏ quên” chiều dài, chiều rộng, các điểm tiếp giáp và mốc giới cụ thể của thửa đất. Không chỉ có thế, qua đo đạc cho thấy đất thực tế còn hụt so với đất trong bản án một diện tích lớn.

Không biết làm sao, THA dân sự TP Bắc Giang đã có nhiều công văn yêu cầu TAND tỉnh Bắc Giang giải thích rõ bản án nhưng sau một thời gian dài mòn mỏi chờ đợi, cơ quan THA chỉ nhận được câu trả lời “Không giải thích gì thêm”. Cực chẳng đã cơ quan này đã phải chuyển vụ án lên cho cấp trên giải quyết. Hiện bản án này đang bị đề nghị xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm.

Án tuyên không rõ ràng của tòa gây khó cho công tác THA. Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: HTD
Án tuyên không rõ ràng của tòa gây khó cho công tác THA. Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: HTD

Ông Phạm Quang Dũng, chấp hành viên THA dân sự TP Hà Nội bức bối: “Có bản án ly hôn tòa tuyên cấp dưỡng cho ba cháu mỗi tháng một triệu đồng. Trong khi đó, những đứa trẻ này có tuổi khác nhau. Vậy việc cấp dưỡng này được hiểu như thế nào? Nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện cho đến khi cháu bé nhất được 18 tuổi hay cho từng cháu đủ 18 tuổi?”...

Bên “sở hữu”, bên “sử dụng”?!

Giải quyết một vụ tranh chấp tài sản giữa hai đương sự, TAND huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) tuyên: “Ông Tuận phải có trách nhiệm chia tài sản là ruộng và trâu cho ông Chấn. Ông Chấn được quyền sử dụng 500 m2 đất nông nghiệp và được quyền sử dụng một con trâu cái”.

Khi đưa bản án ra thi hành, phần ông Chấn được sử dụng 500 m2 đất nông nghiệp thì “êm” ngay, riêng phần tòa tuyên ông được “quyền sử dụng” con trâu cái mà gia đình ông Tuận đang nuôi thì gặp rắc rối, không thể thi hành được dù ông Chấn quyết liệt đòi quyền lợi.

Theo bản án, ông Chấn chỉ có “quyền sử dụng” trâu, tức không có “quyền sở hữu” trâu, quyền này thuộc về ông Tuận nên ông Tuận vẫn có toàn quyền chiếm hữu, quản lý và định đoạt (bán hay giết thịt) con trâu này. Chính vì thế mà “quyền sử dụng” trâu của ông Chấn không thể thực hiện được trên thực tế. Chưa kể ông Tuận đưa ra lý lẽ thuyết phục: “Con trâu là của gia đình tôi, hàng ngày chúng tôi phải chăn dắt, chăm sóc thì tôi phải được sử dụng nó chứ. Làm sao tôi nuôi trâu không công cho người khác sử dụng?”. Mặt khác, cơ quan THA cũng không thể ngày ngày đến cưỡng chế, dắt con trâu đang ở nhà ông Tuận giao cho ông Chấn sử dụng.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm