Sẽ trục xuất lao động nước ngoài không được cấp phép tại Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102 quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định được ban hành theo đề nghị từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về cấp giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, và quy định trục xuất lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.

Nghị định nêu rõ hàng năm, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động (NLĐ) nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà NLĐ VN chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho từng người sử dụng lao động về việc sử dụng NLĐ nước ngoài đối với từng vị trí công việc.

Trường hợp cần sử dụng NLĐ nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của NLĐ nước ngoài huy động để thực hiện gói thầu; nghiêm cấm sử dụng NLĐ nước ngoài thực hiện các công việc mà NLĐ Việt Nam có khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động không qua đào tạo kỹ năng nghiệp vụ.

Theo nghị định, trước khi tuyển NLĐ nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm đề nghị tuyển NLĐ Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển NLĐ nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng NLĐ trong nước cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 2 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 NLĐ VN trở lên và 1 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 NLĐ VN mà không giới thiệu hoặc cung ứng NLĐ nội địa cho nhà thầu, thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển NLĐ nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được ...

Đối với NLĐ nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam...

Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2013.

Theo Phạm Thanh (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm