Sóc Trăng: Án oan bắt người?

Năm 2002, ông Phạm Hồng Thanh, ngụ ấp An Thạnh Tây, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bị TAND các cấp ở tỉnh này phạt một năm tù về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật. Đến nay, án tù đã thi hành xong từ lâu mà ông Thanh vẫn liên tục gửi đơn kêu oan đến các cơ quan tố tụng từ địa phương đến trung ương.

Con dại, cái mang

Làm việc với chúng tôi, ông Thanh trình bày là mình có một người con trai làm cán bộ đội thuế xã An Thạnh II (Long Phú). Dù đã có vợ con nhưng năm 2001 anh này vẫn bỏ nhà, bỏ việc đến chung sống với chị N.

Là quyền giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh về hưu, có uy tín với địa phương, ông Thanh được chính quyền xã yêu cầu vận động con trai trở về làm việc. Hơn nữa, với truyền thống gia đình, ông Thanh quyết tâm thuyết phục con trai quay về nhà với vợ con.

Ông Thanh ngậm ngùi: “Rất nhiều lần tôi và gia đình trực tiếp đi thuyết phục mà nó không chịu về”. Tối ngày 19-12-2001, người con dâu nói với ông là thấy chồng mình đang ở bên nhà chị N. nên phải qua đó “làm rõ trắng đen”. Ông Thanh kể: “Nghĩ mình còn thuyết phục không xong, huống chi vợ nó nên tôi và mấy đứa em nó phải đi theo để đưa nó về”.

Đến nơi, trong khi ông đi kiếm con trai thì người con dâu lại xông vào hành hung “tình địch” làm chị N. bị tổn hại sức khỏe 21%. Lúc quay trở lại, thấy tình thế trở nên nghiêm trọng như vậy, ông Thanh bảo chị N. theo mình về nhà để chăm sóc.

Cả nhà lãnh án

Đêm đó, sau khi đưa chị N. về nhà, ông Thanh đã báo cáo ngay cho bí thư xã, đồng thời kêu con cái đưa chị N. đi bệnh viện. Sáng hôm sau, Công an huyện Long Phú đến nhà mời người con dâu đến trụ sở xã làm việc. Do con dâu vắng nhà, ông Thanh đi thay và tường trình toàn bộ diễn biến của cuộc đánh ghen đêm trước.

Gần 20 ngày sau, ba người con của ông Thanh lần lượt bị công an huyện bắt giữ. Đến ngày 20-3-2002, trong lúc vợ chồng ông Thanh đến công an huyện này làm việc theo thư mời thì công an ập vào khám xét khi ở nhà của họ chỉ có ba cháu bé. Sau cuộc khám nhà này, đến lượt ông Thanh bị bắt.

Thế rồi họ bị khởi tố, truy tố về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật, riêng người con dâu còn bị xử lý thêm tội cố ý gây thương tích. Một người con khác của ông Thanh khi sự việc xảy ra đã đi công tác xa nhưng vẫn bị công an mời lên thẩm vấn, thậm chí còn gửi công văn đến đơn vị chủ quản yêu cầu cho người này... thôi việc.

Ngày 1-7-2002, bốn bị cáo bị TAND huyện Long Phú kết án. Ba người con được hưởng án treo, riêng ông Thanh bị một năm tù. Tháng 9-2002, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm cũng đã tuyên y án sơ thẩm.

Nhiều lấn cấn

Trong vụ án này, việc xử lý người con dâu về tội cố ý gây thương tích là hoàn toàn đúng pháp luật. Thế nhưng việc xử lý ông Thanh và những người còn lại về hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì vẫn còn nhiều lấn cấn.

Suốt quá trình tố tụng, ông Thanh luôn kêu oan rằng chỉ đến nhà chị N. để kêu con trai về. Sau khi thấy chị N. bị con dâu gây thương tích, ông đưa chị N. về để chăm sóc, khắc phục hậu quả chứ không phải nhằm bắt người.

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng đều bác bỏ và nhận định ông Thanh là người chủ mưu trong việc bắt chị N. Cơ quan tố tụng còn khẳng định tối 19-12-2001, mọi người đã bàn bạc chuyện bắt người tại nhà ông Thanh. Vấn đề là dù khẳng định như trên nhưng cơ quan tố tụng lại không có cơ sở nào để chứng minh và cũng không có một nhân chứng nào chứng kiến “cuộc họp gia đình” bàn chuyện đi bắt người cả.

Cạnh đó, cơ quan tố tụng nhận định khi việc bắt chị N. xảy ra, ông Thanh “tay trái cầm đèn pin, tay phải cầm búa quơ đe dọa những người can ngăn”, trong khi ông Thanh là thương binh hạng 2/4, tay phải bị teo cơ, từ nhỏ lại thuận tay trái.

“Mọi việc tôi đều làm bằng tay trái, vả lại tay phải tôi như vầy thì cầm nắm được gì? Vậy mà tòa không thèm xét đến dù tôi đã khẩn thiết yêu cầu” - ông Thanh vừa nói vừa đưa bàn tay phải co quắp cho chúng tôi xem. Chưa kể, công an không hề thu giữ được chiếc búa nào để làm vật chứng.

Đặc biệt, ở cả hai phiên xử đều không có nhân chứng tham dự trong khi lẽ ra rất cần có họ ở những vụ đánh ghen như thế này để xác định sự thật và vai trò của từng bị cáo. Nhiều người dự tòa còn cho biết khi xét xử, các con của ông Thanh kêu oan, khai bị bức cung, nhục hình thì tòa gạt đi, không xét.

Vì thế, dù bản án đã thi hành xong từ lâu, ông Thanh vẫn kiên trì gửi đơn kêu oan khắp nơi. Liệu ông có thật sự vô tội? Chúng tôi đề nghị VKSND tối cao, TAND tối cao xem xét lời kêu oan của ông Thanh để làm rõ trắng đen của vụ án này.

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm