Sự thật về Nguyễn Công Bằng và tổ chức phản động “đảng vì dân”

Đây không phải là lần đầu tiên, tổ chức phản động "đảng vì dân" tuyên truyền, móc nối những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước làm tay sai cho mưu đồ của chúng mà trước đó, Đoàn Văn Diên, Trần Thị Lệ Hồng và Đoàn Huy Chương (tức Nguyễn Tấn Hoành) cũng đã phải ra trước vành móng ngựa rồi nhận án tù…

Nguyễn Công Bằng

Nguyễn Công Bằng - tên thật là Lê Chí Thức, sinh năm 1955 tại Rạch Giá, là hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 456 Địa phương quân của chế độ Sài Gòn cũ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1977, Bằng chôn giấu 2 khẩu súng, âm mưu tập hợp lực lượng, tổ chức bạo loạn.

Bị bắt và bị đưa đi tập trung cải tạo, lợi dụng sự nhân đạo của trại cho Bằng về dự đám tang người thân, tháng 10-1978, Bằng lẩn trốn rồi vượt biên sang Malaysia. Sau đó, Nguyễn Công Bằng định cư tại Mỹ. Với quyết tâm chống nhà nước đến cùng, trên đất Mỹ, Nguyễn Công Bằng tham gia nhiều tổ chức phản động. Năm 1982, Bằng là thành viên của nhóm "Nguyệt san hành trang".

Sự thật về Nguyễn Công Bằng và tổ chức phản động “đảng vì dân” ảnh 1

Nguyễn Công Bằng và Trịnh Thị Ngọc Anh

Đến năm 1987, Nguyễn Công Bằng thành lập và cầm đầu cái gọi là "Thanh niên Việt Nam", đồng thời hai lần sang Thái Lan, tiếp xúc với Hoàng Cơ Minh (Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam), nghiên cứu cách vượt qua đất Lào để tìm đường thâm nhập Việt Nam, vũ trang bạo loạn lật đổ chính quyền.

Bị Hoàng Cơ Minh khinh bỉ ra mặt, cho là kẻ hữu dũng vô mưu, không thực lực, không tiền bạc, Bằng quay lại đất Mỹ, tìm kế khác. Thời điểm này, Nguyễn Thanh Vân, kẻ lãnh đạo tổ chức phản động "Nhân dân Việt Nam" - sau đổi tên thành "Liên minh hùng gia Đại Việt" ở Mỹ, rủ Nguyễn Công Bằng liên kết.

Tháng 1-1990, Vân chi cho Bằng 4.000 USD, yêu cầu Bằng nhập cảnh Việt Nam dưới danh nghĩa thăm thân nhân, để xây dựng tổ chức. Có tiền trong tay, Bằng về nước, ăn chơi nhảy múa, nhưng lại báo cáo láo với Vân, rằng mọi việc tiến triển thuận lợi, cơ sở xây dựng được ngày càng nhiều.

Để củng cố lòng tin của Nguyễn Thanh Vân, từ TP.HCM, Nguyễn Công Bằng viết một tài liệu có tên "Phong trào dân chủ cho Việt Nam", rồi fax cho Vân. Tài liệu này được tờ báo Người Việt xuất bản tại California, do Đỗ Ngọc Yến làm chủ nhiệm, đăng toàn văn, coi như đó là thắng lợi lớn của những nhà "dân chủ" trong nước.

Tháng 6-1991, tin lời Bằng, Nguyễn Thanh Vân nhập cảnh Việt Nam để kiểm tra. "Thiên bất dung gian", Nguyễn Thanh Vân bị bắt, rồi bị kết án 8 năm tù giam vì âm mưu lật đổ chính quyền. Còn Nguyễn Công Bằng chạy thoát về Mỹ.

Cuối năm 1992, núp dưới danh nghĩa của tổ chức phi chính phủ SAP - Việt Nam, Nguyễn Công Bằng về nước tìm cách móc nối các đối tượng là học sinh, sinh viên nhằm lôi kéo họ tham gia các hoạt động chống phá đất nước. Tuy nhiên, mưu đồ của Nguyễn Công Bằng đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện và bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá đất nước, Nguyễn Công Bằng quay sang gia nhập tổ chức "Chính phủ Việt Nam tự do" và "đảng dân tộc" của vua bịp Nguyễn Hữu Chánh, trong đó Bằng được phong làm phó chủ tịch đảng kiêm phát ngôn viên. Ngoài ra, Bằng còn tham gia nhóm "Nguyệt san hành động", và nhóm "Tập hợp thanh niên chống Cộng".

Cũng cần nói thêm rằng năm 1997, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Hữu Chánh, Hà Viên cùng một số tên khác về Thái Lan, tuyển mộ  một số đối tượng - là gái mại dâm, nghiện ma túy hoặc những kẻ có tiền án, tiền sự ở Việt Nam, chạy sang Thái Lan để  trốn tránh, mang lựu đạn, chất nổ từ Thái Lan, xâm nhập trái phép vào Việt Nam để tiến hành khủng bố. Tuy nhiên, trước sự cảnh giác của nhân dân, âm mưu này đã bị đập tan, và bọn cầm đầu bị phía Thái Lan trục xuất về Mỹ.

Tháng 11-2003, theo sự chỉ đạo của chú Chánh "bịp", Nguyễn Công Bằng và Trịnh Thị Ngọc Anh, tức Anh Trinh, nhập cảnh vào Campuchia dưới danh nghĩa các tổ chức NGO, USIM..., để tuyển mộ người, xây dựng cơ sở, dùng đất Campuchia làm bàn đạp, tiến hành thực hiện những kế hoạch khủng bố, chống phá Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia Campuchia sớm phát hiện được mưu đồ này của Nguyễn Hữu Chánh và đồng bọn, nên ngay khi Nguyễn Công Bằng và Trịnh Thị Ngọc Anh đến Campuchia, chúng đã bị trục xuất về Mỹ.

Trịnh Thị Ngọc Anh

Sinh năm 1960 tại Sài Gòn, qua mạng Internet, Trịnh Thị Ngọc Anh quen với một người Mỹ tên Stephen Bailey - là nhân viên làm việc cho tổ chức NATO tại Đức. Sau một thời gian e-mail, "chát chít", gần giữa năm 2000, Bailey nhập cảnh Việt Nam, tổ chức kết hôn với Trịnh Thị Ngọc Anh rồi tháng 1-2001, Bailey đưa Ngọc Anh sang Đức sinh sống...

Tháng 11/2002, đột ngột có một người Việt điện thoại cho Ngọc Anh, tự xưng tên là Hùng, hiện đang ở Mỹ, hỏi chị ta có muốn về Việt Nam thăm nhà không, tất cả mọi chi phí Hùng sẽ lo hết. Thoạt đầu, Ngọc Anh thắc mắc vì cái lòng tốt từ... trên trời rơi xuống.

Nhưng khi được Hùng giải thích, rằng để đổi lại, lúc về đến Việt Nam, Ngọc Anh chỉ cần mua điện thoại di động, mua simcard rồi trả lời phỏng vấn của "Chính phủ Việt Nam tự do" - y như người dân đang sống ở Việt Nam thì Ngọc Anh nhận lời.

Sau này, khi bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ, Ngọc Anh biện minh rằng thời gian đó, chị ta vì ngôn ngữ, phong tục, tập quán bất đồng, lại thường xuyên bị chồng đánh đập nên chị ta chỉ muốn về thăm nhà cho khuây khỏa. Đặc biệt hơn, Ngọc Anh còn viết hàng chục bản tường trình, nói rõ về nhân vật tên Hùng  - chính là gã đại bịp Nguyễn Hữu Chánh, kẻ cầm đầu "Chính phủ Việt Nam tự do" - đồng thời tha thiết xin Nhà nước Việt Nam mở lượng khoan hồng, tha thứ tội lỗi.

Ngày 5/12/2002, Ngọc Anh từ Đức bay sang thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Tại đây, Ngọc Anh được Nguyễn Hữu Chánh đưa về nhà, ở chung với 3 người nữa. Trong một bản tường trình, Ngọc Anh kể rõ: "Được mấy bữa, một tối ông Chánh mời riêng tôi đi ăn. Trong khi ăn, ổng nói huyên thuyên về chính phủ, về tổ chức rồi lúc ăn xong, ổng đưa tôi vào... khách sạn, đòi tôi phải cho ổng "quan hệ"! Phần vì sợ không được về Việt Nam thăm nhà, phần nữa do không có tiền, sợ ổng bỏ rơi trên đất Mỹ nên tôi đành nhắm mắt...". 

Theo Hòa Xuân (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm