Tan hoang miền Trung

Hôm qua (13-11), mực nước trên các sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam), Trà Khúc (Quảng Ngãi) và Hương (Huế) đã bắt đầu rút xuống nhưng hàng chục vạn nhà dân vẫn còn chìm trong biển nước.

Giao thông vẫn tê liệt

Thành phố Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy... của tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn mênh mông. Các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, tây Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam cũng trong tình trạng tương tự...

Ở những vùng cao hơn, nước bắt đầu rút xuống chút ít nhưng người dân vẫn chưa thể trở về. Hoang tàn đã lộ diện dần sau cơn hồng thủy lớn nhất lịch sử lũ lụt miền Trung. Giao thông trên quốc lộ 1A hoàn toàn bị ngưng trệ. Hàng ngàn xe tải, xe khách nối đuôi nhau nằm chờ trên quốc lộ. Cầu Trị Yên trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) bị sập. Công ty cổ phần Đường bộ Quảng Nam-Đà Nẵng đã cho lắp một chiếc cầu tạm.

Đến 14 giờ 30 chiều qua, việc lưu thông một chiều đã bắt đầu trở lại nhưng vẫn còn chậm chạp. Tuyến giao thông quan trọng nhất đi các tỉnh Tây Nguyên coi như đã bị tê liệt. Nhiều đoàn tàu lửa với hàng ngàn hành khác đang nằm chờ la liệt ở các ga. Tại ga Huế, trên 2.300 hành khách của sáu đoàn tàu Bắc-Nam đang bị kẹt lại.

Lũ đã rút năm mét nhưng người vùng tây Quế Sơn vẫn phải đi đò.

Chống chọi giữa đêm đen

Đến chiều tối qua, hơn 100 xã, phường với 80.000 hộ dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn bị ngập sâu trong nước 1-2 m và mất điện. Một số khu vực trong Thành nội Huế, huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang... vẫn chìm trong lũ. Thành phố Huế đã khẩn trương di dời 2.354 hộ với 7.747 nhân khẩu đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất hỗ trợ 60 tấn gạo và 120 tấn mì tôm để cứu đói cho dân. Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có hai người chết, hai người bị thương, 16 nhà và sáu phòng học bị tốc mái. Tối qua, mực nước sông Hương vẫn trên mức báo động ba.

Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn chìm trong nước.

Tại Quảng Nam, đô thị cổ Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... cũng trong tình trạng tương tự. Thiếu lương thực và nước uống hiện nay là vấn đề khó khăn nhất của bà con vùng lũ. Chiều qua (13-11), Sư đoàn 372 Quân khu V đã thực hiện chuyến bay trực thăng đầu tiên cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ tại vùng B huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nơi có hàng ngàn ngôi nhà bị cô lập ba ngày nay.

Chuyến bay này đã thả 2.000 ổ bánh mì, 1.500 chai nuớc uống và áo mưa cho bà con. Dự kiến sáng hôm nay (14-11), chuyến bay thứ hai được thực hiện tại vùng rốn lũ tây Quế Sơn.

Tính đến chiều qua, tỉnh Quảng Nam đã có chín người chết, hai người mất tích và hai người bị thương. Tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận thêm của trung ương 20 tấn mì tôm phân bổ khẩn cấp cho Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn. Nước trên sông Thu Bồn và Vu Gia vẫn còn trên mức báo động ba.

Góp tay chia sẻ đau thương vùng lũ miền Trung

Bão chưa tan lũ đã tới, lũ chưa rút bão đã ập về. Chỉ trong vòng hai tháng đồng bào miền Trung hứng chịu năm cơn bão lũ. Nước chưa rút, mái nhà sập chưa dựng lại, thì lũ hung bạo lại tràn về. Không chỉ lũ nhiều, mà ác nghiệt hơn cơn hồng hủy năm nay còn cao hơn đỉnh lũ của năm 1999. Bao nhiêu tài sản, ruộng vườn cây trái, bao nhiêu mồ hôi nước mắt và hơn 70 người đã mất vì bão lũ.

Cả dãy đất miền Trung từ những vùng quê nghèo Quế Sơn (Quảng Nam) đến cả thành nội Huế, di sản văn hóa phố cổ Hội An đều bị nhận chìm trong lũ, khả năng ứng cứu tại chỗ gần như không còn nữa. Cái đói, cái khát, dịch bệnh đang chực chờ phía trước. Việc đầu tư tái sản xuất đang là thử thách với những người dân trắng tay sau lũ.

Hơn bao giờ hết, đồng bào miền Trung cần những tấm lòng hảo tâm, những bàn tay chia sẻ, những nghĩa cử thể hiện tình cảm máu chảy ruột mềm, lá lành đùm lá rách.

Báo Pháp Luật TP.HCM khẩn thiết kêu gọi bạn đọc mọi miền đất nước, kiều bào ở nước ngoài, quý doanh nghiệp, quý nhà hảo tâm cùng góp bàn tay chia se, đóng góp tiền, quà thiết yếu giúp đở đồng bào vùng lũ miền Trung.

Điểm tiếp nhận quà cứu trợ ngay tại trụ sở Báo Pháp Luật TP.HCM, 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM. Hàng ngày từ 7 giờ đến 18 giờ (kể cả thứ Bảy và Chủ nhật). Bạn đọc ở xa có thể điện thoại qua số: 2146835 - 0982000333 hoặc 8345103 (ngoài giờ hành chính). Số fax: 8346909. Email cho địa chỉ phapluattphcm@hcm.vnn.vn. Tài khoản tiếp nhận tiền cứu trợ là: Tên TK: Báo Pháp Luật TP.HCM, số TK: 102010000165930 tại Ngân hàng công thương chi nhánh quận 10.

- Tính đến chiều qua (13-11), TP Đà Nẵng đã có hai người chết do nước lũ cuốn trôi. Thành phố đã xuất 35 tấn mì tôm, 20 tấn gạo cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ.

- Tuyến đường giao thông về các xã miền núi của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn bị cô lập hoàn toàn. Lương thực, thực phẩm cứu trợ cho huyện Tây Trà phải nằm tại huyện Trà Bồng. Hàng ngàn xe ôtô, xe khách bị mắc kẹt trên tuyến quốc lộ 1A kéo dài từ Chu Lai (Quảng Nam) đến Dốc Sỏi (Quảng Ngãi). Hôm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt tại đây để thăm hỏi các hành khách và hỗ trợ trên 3.500 suất ăn.

Điêu tàn miền tây Quế Sơn

9 giờ sáng, chúng tôi quyết định vào tâm lũ vùng tây Quế Sơn (Quảng Nam) khi nước đã rút năm mét. Qua khỏi đèo Le vài cây số mà khắp nơi vẫn là một thung lũng nước ngút trời. Chiếc vỏ lãi chạy phăm phăm trên mặt nước, nơi bình thường vốn là tỉnh lộ 611. Không khó để nhận ra ngấn đỉnh lũ tù những đám rác giăng đầy ngọn tre và đường dây điện, cao hơn mặt ruộng tới sáu, bảy mét. Thỉnh thoảng lại hiện ra những xác heo, gà bị lũ cuốn, mắc lại trên nhiều ngọn cây.

Nước thượng lưu sông Thu Bồn tràn bờ hơn sáu mét khiến những nỗ lực cứu hộ vô vọng. Đỉnh lũ qua hai ngày nhưng Quế Lộc, Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm, những xã vùng tây Quế Sơn vẫn không một phương tiện cơ giới nào tiếp cận được. Chỉ lác đác vài người dân liều mình bơi đò dọc bờ sông Thu Bồn về phía đèo Le mua lương thực.

Anh Lê Văn Anh ở thôn Khánh Bình (Quế Ninh, Quế Sơn) đang nhặt nhạnh lại đống đổ nát của ngôi nhà bị lũ giật sập.

Thôn Trung Phước, xã Quế Trung hiện ra điêu tàn. Bùn ngập sâu hơn ba tấc trên đường làng, mười sáu căn nhà bị lũ cuốn phăng không còn một cây đòn tay.

 Người Trung Phước kể: nước sông Thu Bồn ộc vào lúc chập tối, bị ngọn hòn Ngang và Nổng Pháo chắn lại, nước dội ngược vô làng. Nửa khuya thì dân Trung Phước chỉ còn cách leo lên mái, số ít nữa vội vã bơi xuồng ngược lên vách hòn Ngang thoát thân. Nhưng “Bơi rứa chỉ giữ được người chứ còn chi mô chú” – ông Nguyễn Thanh Hồng nói như phân trần khi quá giang chiếc vỏ lãi.

Ông già 61 tuổi này nài nỉ đi theo khi biết chúng tôi sẽ ngược Thu Bồn lên Quế Ninh, Quế Lâm. Đó là đoạn sông mà lũ nhấn chìm chiếc đò ngang ông đã gắn nghiệp mưu sinh để nuôi sáu đứa con. Không chỉ mất đò, nhà của ông cũng bị lũ đánh sập. Đã ba hôm nay, cả nhà ông phải ngửa tay xin cơm của hàng xóm nên giá nào ông cũng phải tìm được đò.

Quá trưa, thuyền ra được Thu Bồn, những hàng tre đan nhau dọc bờ từ Đại Bình qua Trung Hạ, Cà Tang... oạp mình trong nước. Chúng tôi lặng nhìn những làng quê kiên cố dọc bờ Thu Bồn kia còn không chọi nổi với lũ huống chi con đò ngang bé xíu.

Chỉ mới tiếp cận được hai thôn nhưng Bí thư xã Quế Ninh, ông Nguyễn Thành Năm cho biết đã có hai chục căn nhà bị lũ bốc ra dòng Thu Bồn. Cạnh ngọn núi đất bên bờ sông, anh Võ Văn Anh thẫn thờ: “Còn chi mô, cái chi hắn cũng cuốn hết rồi”. Buổi sáng ngày đỉnh lũ, vừa kịp đưa vợ con ra khỏi nhà thì nước quá lớn bứng luôn cả trụ nhà khiến toàn bộ tài sản của gia đình anh nằm bẹp luôn dưới đống ngói.

Đêm lũ đổ, dãy lầu bé xíu của UBND xã và trường tiểu học chứa gần 300 người khi tất cả nhà dân thôn Khánh Bình đều ngập lên tận đòn tay. Ông Năm thẫn thờ: “Tới 80% tài sản hư hại, dân đói chắc rồi!”.

Khắp nơi ở Quế Ninh, từ Khánh Bình đến Mọi Long, người dân đang thu dọn đống ngổn ngang sau lũ nhưng không biết bao giờ mới thu dọn nổi khi mớ tài sản họ tích cóp đã ngập trong hàng tấc bùn nhão. Ở phía bên kia bờ Thu Bồn là Xuân Hà và phía sau là Ninh Khánh - những nơi chưa thể tiếp cận, sẽ còn bao nhiều ngôi nhà, bao nhiêu người đang đói rét? Đến chiều qua vẫn chưa ai biết được. Từ điện thoại, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, ông Hà Phước Trinh buồn bã cho biết xã Quế Lâm, Quế Phước cũng đang tan hoang...

Chúng tôi xuôi lũ Thu Bồn lúc chập tối, khi trời vẫn sầm sập trút nước và mây xám còn đậu dày trên lưng chừng ngọn Cà Tang. Không ai khỏi chạnh lòng khi đêm nay, ba vạn người từ Mọi Long đến Đại Bình, Trung Phước... đang còn trong đói rét.

VIỄN SỰ - TẤN VŨ

NHÓM PHÓNG VIÊN - CTV MIỀN TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm