Tạt mắm tôm vào quán phở Hòa Pasteur: Xử lý ra sao?

Sáng 31-7, quán phở Hòa Pasteur (quận 3, TP.HCM) bị bốn thanh niên bất ngờ tạt sơn và mắm tôm vào quán rồi bỏ chạy. Nhiều thực khách bị dính mắm tôm, hốt hoảng.

Thực khách bất ngờ khi bị tạt sơn, mắm tôm. Ảnh: PHÚ NHUẬN 

Theo ông Phạm Tùng Linh, chủ quán phở cho biết, trước đó vào tối 30-7, quán cũng bị một nhóm thanh niên dừng xe máy lại tạt sơn đỏ. Ngoài ra, từ ngày 1-7 đến nay, quán phở đã tám lần bị tạt sơn, mắm tôm và gia đình đều trình báo cho Công an phường 8, quận 3. Thế nhưng nhóm người này không dừng lại mà còn công khai thực hiện với tần suất dày đặc hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, tài sản của gia đình.

Nguyên nhân quán phở bị “khủng bố”, theo ông Linh là do hơn một tháng qua có nhiều nhóm người đến quán tìm người em rể của ông Linh là Trần Anh T. để đòi nợ. Ông Linh khẳng định người em rể này có công việc kinh doanh riêng, không liên quan gì đến quán phở nhưng nhóm người đòi nợ lại buộc gia đình phải có trách nhiệm trả thay.

Với hành vi tạt mắm tôm, sơn vào nhà người khác thì sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 167/2013 thì người nào có hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS nếu dùng sơn ném hoặc chất bẩn khác vào nhà người khác gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc, thiệt hại về tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Tài sản là di vật, cổ vật thì người vi phạm...

Với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người vi phạm sẽ bị phạt tiền mức thấp nhất là 10 triệu đồng, mức cao nhất là phạt tù 20 năm tùy theo mức độ vi phạm. 

Ngoài ra, người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm