TP.HCM: Mạo danh nhân viên Bộ y tế lừa đảo người dân mùa dịch

“Chúng cung cấp cho tôi một địa chỉ IP và nói tôi truy cập vào. Khi làm theo, tôi thấy một trang web có tên Báo Công an nhân dân điện tử. Cứ làm theo hướng dẫn, tôi nhận được lệnh bắt giữ có đầy đủ tên tuổi của mình trên đó. Lúc đó tôi nghĩ: “Cuộc đời mình từ nay sẽ ra sao. Nói với cha mẹ ở quê thế nào? Chẳng lẽ giờ bị tạm giam 6 tháng để điều tra sao…?”- anh HM. nhớ lại câu chuyện vừa xảy ra ngày 3-8.

Một người tỉnh táo như mình thì đứa nào dám lừa…

Anh HM. là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng có nhiều năm làm báo. Công việc và kinh nghiệm giúp anh luôn đặt ra câu hỏi, nghi ngờ trước mọi thông tin tiếp nhận. Nhưng anh chẳng ngờ có một ngày mình rơi vào tình huống “không thể tưởng tượng nổi” như vậy.

Lệnh bắt tạm giam. Ảnh: NVCC

“Mọi người đều nghĩ “lừa đảo sao mà dễ dàng thế nhỉ?”. Vâng tôi cũng luôn nghĩ một người tỉnh táo như mình thì đứa nào dám lừa. Nhưng nếu cuộc đời mình toàn tỉnh táo, thì tại sao cây cà phê phải nở hoa? Có những ngày cảm xúc tiêu cực, tinh thần không minh mẫn, hoàn toàn chúng ta không điều khiển được mình, dễ bị mụ mẫm. Chính vì thế mà có rất nhiều người mất hàng trăm, hàng tỷ đồng qua điện thoại rồi, mà người ta đầu óc cỡ nào mới có tiền tỷ sẵn trong tài khoản chứ, đúng không?”- anh HM. hài hước mở đầu câu chuyện.

Theo anh M., sáng 3-8, đang ở nhà, điện thoại HM. nhận được cuộc gọi đến, màn hình hiển thị cuộc gọi từ “Bộ y tế”.

Bình thường những số điện thoại lạ như vậy anh sẽ không bốc máy. Nhưng vì màn hình hiển thị Bộ y tế, trong bối cảnh người người nhà nhà chờ chích vaccine ngừa COVID, anh cũng đã điền thông tin để chờ đến lượt tiêm vaccine nên anh bốc máy. 

“Cô này xưng nhân viên tổ tư vấn Bộ y tế, yêu cầu tôi cung cấp họ tên, CMND… là những thông tin trước đó tôi đã cung cấp để đăng kí chờ tiêm vaccine. Kiểm tra xong, cô này bảo tôi phải nộp phạt 80 triệu đồng vì số tài khoản liên quan đến đường dây kinh doanh vật tư y tế không đạt chất lượng, trái phép, phải nộp phạt trong hôm nay. Tôi nói nhầm rồi, tôi không liên quan vì tôi có làm gì liên quan đến vật tư y tế đâu. Nhưng cô này nói nhiều đại ý đơn thư tố cáo đã lên tới Bộ công an, đề nghị tôi liên hệ Bộ công an làm việc…”- anh HM. trầm ngâm nhớ lại.

Lệnh bắt giữ trên… web Báo Công an nhân dân

Nếu nhiều năm trước đó, chiêu trò lừa đảo qua điện thoại chỉ dừng ở những cuộc gọi hù doạ mạo danh công an, viện kiểm sát,… vài năm trở lại đây, có thêm lệnh bắt giữ gửi qua zalo thì tới mùa dịch này, những kẻ lừa đảo giả mạo cả web Báo Công an nhân dân. Chúng hướng dẫn con mồi truy cập vào trang và thấy lệnh bắt trên trang web giả mạo này. Những người yếu bóng vía khả năng lớn sẽ sập bẫy.

Người này nối máy cho anh nói chuyện với Bộ công an. Một người đàn ông bốc máy xưng họ tên, cấp bậc làm việc. Người này nối máy cho anh đến bộ phận mà theo anh ta giới thiệu là bộ phận kiểm tra hồ sơ, số điện thoại là 8080692342593.

Nhờ tỉnh táo, anh HM. không bị lừa. Ảnh: NVCC

“Họ bảo tôi tự tìm hiểu số điện thoại 0692342593 là số nào? Tôi lên mạng gõ ra. Chúng nó giả danh chính xác cả số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an…”. Tiếp tục làm theo, chúng cung cấp cho anh một địa chỉ IP, khi truy cập vào HM. thấy một trang web có tên Báo Công an nhân dân điện tử. Cứ làm theo hướng dẫn, anh nhận được lệnh bắt giữ có đầy đủ tên tuổi của mình trên đó.

“Còn đoạn sau thì như chiêu trò lừa đảo qua điện thoại mà nhiều người đã gặp: họ nói tôi liên quan đến đường giây rửa tiền, tính chất nghiêm trọng vụ việc, nối máy lên cấp trên xin chỉ đạo, yêu cầu tôi chứng minh bị oan bằng cách gom 200 triệu trước 15h chiều…”- anh HM. nói.

Phải nói thêm là ngay từ thời điểm cô gái xưng nhân viên tổ tư vấn Bộ y tế kết nối với Bộ công an làm việc, anh đã sinh nghi. Và khi nhóm lừa đảo yêu cầu anh gom tiền 200 triệu thì anh đã thực sự chắc chắn mình lừa. Nhưng từ thực tế chuyện xảy ra, anh hiểu rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân bị lừa vì chiêu trò cũ rích này đến vậy.

“Gần 3 tiếng điện thoại, họ khiến tôi có cảm giác y chang như nghe ở đồn công an làm việc, tiếng bàn phím, tiếng vọng ra, tiếng hồ sơ đập xuống mặt bàn, nghiên cứu, thụ lý hồ sơ…”- anh nói. Anh kể lại câu chuyện này như một bài học kinh nghiệm, mong mọi người nâng cao cảnh giác nhất là trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

 

3 điều cần nhớ để không sập bẫy

Trước đó, trao đổi rất nhiều lần với PLO về vấn đề này, Công an TP.HCM khẳng định Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, tổ chức để xác minh điều tra.

Để tránh trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo qua điện thoại, công an khuyến cáo người dân ba điều. 

Một là hạn chế cung cấp thông tin cá nhân với những trường hợp không cần thiết. 

Hai là nếu nhận được cuộc gọi báo nợ cước, nợ thẻ… mà tự xác định mình không có thì dập máy ngay. 

Ba là công an khi làm việc sẽ gửi thư mời, ghi rõ thời gian, địa điểm chứ không bao giờ lấy lời khai qua điện thoại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm