Từ 31-7-2009: Phạt nặng hành vi bán hàng kém chất lượng

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề do cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC…

Ngoài ra, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm còn có thể bị bắt buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nộp ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do vi phạm mà có; buộc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm; thu hồi sản phẩm, hàng hóa, phương tiện đo vi phạm; thực hiện kiểm định phương tiện đo…

Nghị định 54 của Chính phủ ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31-7-2009. Từ thời điểm này, các loại hàng hóa đóng gói sẵn trong sản xuất hoặc nhập khẩu thuộc danh mục hàng đóng gói sẵn phải thực hiện đúng quy định quản lý nhà nước về đo lường, nếu không ghi định lượng hoặc ghi không đúng đơn vị đo lường trên nhãn hàng hóa thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng, nếu đóng gói hàng hóa không đủ định lượng thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.

Các nơi bán sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thì có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (riêng hành vi bán sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng được áp dụng các quy định của Chính phủ về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại để xử phạt).

Nhằm tăng mức độ xử phạt các hành vi bán hàng hóa kém chất lượng, Thủ tướng Chính phủ cũng giao quyền cho lực lượng chức năng có quyền phạt tiền từ 2 đến 3 lần tổng giá trị hàng hóa, sản phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với các hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với các hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Thậm chí, các hành vi VPHC về nhãn hàng hóa và mã số mã vạch, cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng sẽ bị xử phạt nghiêm hơn.

Công bố công khai tên người bán hàng vi phạm

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ trung tuần tháng 7-2009 sẽ áp dụng việc mua mẫu hàng hóa ngẫu nhiên trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Số hàng này sẽ được gửi đến tổ chức thử nghiệm được chỉ định và lấy kết quả để cơ quan kiểm tra xử lý tiếp trong quá trình kiểm tra.

Nếu phát hiện hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn cho người, động vật, tài sản, môi trường hoặc người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm, không chấp hành các yêu cầu của cơ quan kiểm tra thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận về vi phạm của người bán hàng, cơ quan kiểm tra thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên người bán hàng, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa, đồng thời kiến nghị cơ quan thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Minh Nguyễn ( SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm