Vedan trốn phí môi trường hàng ngàn tỷ đồng

Hôm qua (17-9), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tổ chức họp báo về vi phạm về môi trường của Công ty Vedan (Đồng Nai). “Bộ sẽ yêu cầu chủ tịch tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ hoạt động của Vedan để kiểm tra lại toàn bộ hệ thống xử lý chất thải của công ty này” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết.

Bức tranh gian dối bị lộ tẩy

“Vedan đã có hành vi lừa đảo bằng hệ thống hiện đại, tinh vi để xả chất thải trực tiếp ra sông Thị Vải. Đến giờ thì toàn bộ bức tranh làm ăn gian dối của Vedan đã bị lộ tẩy. Chúng tôi đang tính toán (về kinh tế - PV) xem đơn vị này đã gây thiệt hại cho môi trường VN như thế nào” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên mở đầu buổi họp báo với tâm trạng đầy bức xúc.

Theo ông Nguyên, dù DN này có giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần làm tăng trưởng kinh tế nhưng bao nhiêu đó không đủ bù đắp cho những thiệt hại mà DN đã gây ra cho môi trường. Tiếp lời, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo nhận định: “Vedan đã sử dụng nhiều thủ đoạn lừa dối cơ quan nhà nước để trốn tránh trách nhiệm kinh tế hàng ngàn tỷ đồng”.

Theo tài liệu Bộ TNMT cung cấp cho báo chí, với việc xả dịch thải lỏng vào sông Thị Vải, Vedan đã trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hàng chục tỷ đồng. DN cũng khỏi tốn chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Để xử lý 1 m3 dịch thải nói trên, tính sơ bộ DN phải tốn kinh phí đầu tư gần chục triệu đồng, trong khi đó lượng dịch thải sau lên men của nhà máy này là gần 45.000 m3/tháng!

Vedan “ăn” sức khỏe người dân

Bộ TNMT cho biết Chính phủ đã chỉ đạo đây là vụ xử lý điểm về vi phạm trong môi trường bởi vi phạm của Vedan rất điển hình. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ và pháp lý nhưng đã có đủ cơ sở, bằng chứng để áp dụng chế tài mạnh nhất đối với Vedan. Qua việc xử lý này sẽ răn đe các DN khác không được “ăn” vào môi trường, “ăn” vào sức khỏe người dân, không được nhập về công nghệ lạc hậu. Người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện Vedan về việc công ty này gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại đến họ. “Trước mắt, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu chủ tịch tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ hoạt động của Vedan để kiểm tra lại toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của công ty này, rồi xem nhà máy đề xuất các phương án xử lý môi trường như thế nào” - ông Nguyên cho biết.

Trước câu hỏi của Báo Pháp Luật TP.HCM: Bộ luật Hình sự chỉ quy định xử lý hình sự đối với cá nhân nhưng vi phạm của Vedan là của tổ chức (DN). Thậm chí nếu muốn xử lý cá nhân thì người đó cũng phải bị xử phạt hành chính rồi. Vậy trong trường hợp này, nếu xử lý hình sự thì sẽ vận dụng pháp luật như thế nào? Đại diện Cục Cảnh sát môi trường trả lời: “Chúng tôi đang phải tiếp tục nghiên cứu, thống nhất với các cơ quan về phương pháp. Việc xử lý hình sự còn phải tiếp tục nghiên cứu.” Bộ TNMT cũng cho biết sau vụ việc của Vedan sẽ phải rà soát lại hệ thống pháp luật về môi trường, đặc biệt là những quy định về xử lý hình sự.

Việc cấp phép có vấn đề?

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi: “Vedan có “tiền sử” vi phạm về môi trường nhưng vì sao vào gần giữa năm 2008, Bộ vẫn cấp giấy phép xả nước thải cho công ty này?”. Trả lời, đại diện Bộ TNMT cho biết: Việc cấp phép tuân thủ trình tự, thủ tục quy định và Bộ đã làm đúng. Việc cấp phép có hội đồng, trong đó có đại diện cơ quan quản lý môi trường địa phương. Dựa trên hồ sơ, tài liệu báo cáo và dựa trên ý kiến hội đồng để xem xét việc cấp giấy phép xả nước thải hay không.

Bộ TNMT cho rằng việc cấp phép có thể có vấn đề từ việc phản ánh không đúng thực trạng chất lượng môi trường. Điều này liên quan đến ý kiến của Sở TNMT Đồng Nai, vì cơ quan này đã có công văn đề nghị Bộ là có thể cấp được. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu việc cấp phép là sai, Bộ là đơn vị cấp phép thì Bộ phải chịu trách nhiệm.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường khi để xảy ra sai phạm có hệ thống của Vedan, Bộ TNMT cho rằng Bộ ở trung ương, “nước xa không cứu được lửa gần”, vì vậy trách nhiệm chính vẫn là chính quyền và cơ quan quản lý về môi trường địa phương.

Đại diện Cục Cảnh sát môi trường cho biết ngày mai (19-9) sẽ có kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ ra quyết định có khởi tố hình sự hay không.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo:

Cuộc đấu trí căng thẳng

“Hệ thống ngầm đưa nước thải ra ngoài của Vedan được thiết kế rất tinh vi, chỗ chìm, chỗ nổi lẫn vào hàng trăm đường ống khác. Vận hành hệ thống xả thải bí mật này chỉ có duy nhất hai người nước ngoài, người VN không ai biết về hệ thống này. Phải có nghiệp vụ và sử dụng những biện pháp đặc biệt thì mới làm rõ được. Anh em trinh sát phải lần mò rất công phu. Trước hết dựa vào dân, từ người bán hàng rong trên những ghe nhỏ. Chính từ thông tin người dân cung cấp (ban đêm khu vực cầu cảng có sủi nước lên) mà trinh sát mới đi các bước tiếp theo.

Ông Lương Minh Thảo: Sai phạm của Vedan đã bị bắt quả tang.
Ông Lương Minh Thảo: Sai phạm của Vedan đã bị bắt quả tang.

Để lọt vào nhà máy cũng rất khó khăn bởi công ty này có hệ thống bảo vệ chặt chẽ, có trang bị cả camera bảo vệ. Trinh sát phải đóng giả để vào được trong nhà máy mật phục điều tra. Phải dùng cả phương pháp chụp ảnh Vedan từ vệ tinh.

Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một cuộc đấu trí căng thẳng. Tuy nhiên, cho đến chiều 16-9 vẫn còn một số đường ống mà đoàn kiểm tra chưa làm rõ được. Và cho đến nay, với nhiều lý do, Vedan vẫn chưa cung cấp hệ thống thiết kế xử lý chất thải cho lực lượng kiểm tra, điều tra”.

Vi phạm triền miên vẫn điềm nhiên tồn tại

Năm 2005, do thải chất thải ra sông Thị Vải gây chết thủy sản hàng loạt, Vedan đã đền bù 15 tỷ đồng cho người dân tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM.

Cũng trong năm này, Bộ TNMT đã xác định Vedan có vi phạm về môi trường, chuyển Thanh tra Sở TNMT tỉnh Đồng Nai xử lý.

Ông Lâm Mậu Phủ (tên gọi theo tiếng Việt Nam), một trong hai người nước ngoài duy nhất vận hành hệ thống nước thải bí mật của Vedan. Ảnh: HOÀNG VÂN
Ông Lâm Mậu Phủ (tên gọi theo tiếng Việt Nam), một trong hai người nước ngoài duy nhất vận hành hệ thống nước thải bí mật của Vedan. Ảnh: HOÀNG VÂN

Năm 2006, kiểm tra phát hiện Vedan xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép: xianua vượt đến 5.600 lần, Coliform vượt đến 100 lần..., đồng thời phát hiện DN có hiện tượng xả nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải. Bộ TNMT đã chuyển hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý.

Lần kiểm tra gần đây nhất, ngày 6-9, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện Vedan tự thiết kế đường ống để bơm nước thải, bùn thải đổ thẳng ra sông Thị Vải mà không qua xử lý. Nghiêm trọng hơn, DN đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống (có đoạn chôn ngầm) chảy vào hai trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 7-8 m. Ngoài ra, trong khuôn viên của DN có trại nuôi heo trên 200 con, nước thải chăn nuôi được thải trực tiếp vào môi trường, không qua hệ thống xử lý.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm