Vụ điện kế điện tử giả: Cái giả đã được chấp nhận ngay từ đầu

Sau sáu ngày mổ xẻ vụ điện kế điện tử giả, hôm qua (26-5), tòa tiếp tục để cho các luật sư hỏi thêm các bị cáo, người liên quan.

Giả nhưng “chất lượng thật”?

Trả lời luật sư, nguyên phó giám đốc Linkton Vina Trần Công Điền nói điện kế điện tử do Linkton Vina sản xuất có chất lượng tốt và đã được cơ quan chức năng Indonesia cấp giấy chứng nhận chất lượng. Bị cáo giải thích sở dĩ không đăng ký chất lượng ở Việt Nam vì chủ trương của Linkton Vina là 80% sản lượng điện kế điện tử xuất khẩu sang các nước, trong đó có Indonesia (bị cáo cung cấp bản hợp đồng với đối tác nước ngoài cho tòa). “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, giấy này cũng có hiệu lực ở trong nước” - bị cáo nhấn mạnh.

Tương tự, nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP Lê Minh Hoàng cho biết năm 2002, đơn vị này từng mua 150 điện kế điện tử của Linkton Singapore về thử nghiệm ở Điện lực Phú Thọ và thấy chất lượng rất tốt. “Sau này khi mua hàng, tôi chỉ quan tâm đến thiết bị có tính năng tốt tương tự, tôi chỉ quan tâm đến chất lượng” - trả lời luật sư, bị cáo lý giải lý do không quan tâm đến yếu tố nhãn mác, xuất xứ.

Như chúng tôi đã thông tin, 312 ngàn điện kế điện tử giả mà Công ty Điện lực TP mua của Linkton Vina hiện đã được cơ quan chức năng cho phép sử dụng sau khi khắc phục một số lỗi. Việc khắc phục này theo đại diện tổ giám định Bộ Công thương chỉ là thay nhãn từ Singapore thành Việt Nam (với chi phí khoảng 370 triệu đồng). Cơ quan này cũng thừa nhận chất lượng lô điện kế ấy tốt, ngoại trừ những lỗi nhỏ.

Mặt nạ chiếc điện kế điện tử giả ghi rõ nhãn mác Linkton Singapore.
Mặt nạ chiếc điện kế điện tử giả ghi rõ nhãn mác Linkton Singapore.

Chẻ nhỏ trách nhiệm

Theo hồ sơ, toàn bộ quy trình cố ý làm trái của các bị cáo ở Công ty Điện lực TP diễn ra rất ăn khớp, chặt chẽ nhưng khi trả lời tòa, họ lại chỉ nhận phần lỗi của mình như là những sơ suất nghiệp vụ nhỏ lẻ.

Các bị cáo trong tổ xét thầu thì bảo do tin tưởng vào đồng sự của mình nên không kiểm tra, đối chiếu lại. Các bị cáo có vai trò nhận hàng, thanh toán cũng nói tương tự. Không ai phát hiện ra sai sót, không ai phản ánh với cấp trên. Trách nhiệm được chia nhỏ ra, đến mức thấp nhất như là không có lỗi. Thậm chí trả lời tòa, nhiều bị cáo còn tuyên bố hùng hồn rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, không có gì sai, bị truy tố oan.

Bên mua hàng là thế, bên cung cấp hàng cũng trả lời không biết mình làm hàng giả, buôn bán hàng giả. Là phó chủ tịch hội đồng quản trị, người hùn tiền lập ra liên doanh Linkton Vina nhưng bị cáo Trần Thị Liên trước sau vẫn trả lời “không nghe, không thấy, không biết”. Không biết nhưng bị cáo vẫn ký nhập linh kiện, ký nhập nhãn Linkton Singapore, để công ty mình lắp ráp điện kế điện tử giả, giao hàng và nhận tiền thanh toán từ Công ty Điện lực TP.

Chất lượng 312 ngàn chiếc điện kế điện tử tốt, sử dụng được, chi phí khắc phục từ hơn 300 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng (theo tổ giám định) là điều có thật. Nhưng có một sự thật khác được quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS: Nếu phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, các bị cáo ở Công ty Điện lực TP sẽ phải đối diện với mức án từ 10 đến 20 năm tù. Tương tự, năm bị cáo ở Linkton Vina cũng sẽ đối diện với mức án từ bảy đến 15 năm tù theo khoản 3 Điều 156 BLHS.

VI TRẦN - THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm