Xử vụ phá rừng quốc gia Tà Cú: Tùy tiện cho thuê 300 ha đất rừng

Hôm qua (12-5), TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã xử sơ thẩm vụ phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú. Năm bị cáo gồm nguyên giám đốc Trần Minh Thạch, nguyên phó giám đốc Trần Đình Khôi, nguyên cán bộ kỹ thuật Nguyễn Thanh Việt, nguyên trưởng trạm bảo vệ rừng Trần Minh Đức và nhân viên Bạch Văn Thành đều bị truy tố về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Lấn quyền... Thủ tướng!

Theo hồ sơ, đầu năm 2008, năm bị cáo trên đã thông đồng ký hợp đồng cho một số người ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai thuê 300 ha đất trồng khoai mì với giá 360 triệu đồng trong hai tiểu khu 271, 267 (thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt). Để được ký hợp đồng, những người thuê đất còn phải “bồi dưỡng” thêm 100 triệu đồng. Mọi giao dịch nguyên giám đốc Thạch đều giao cho nhân viên Thành đứng ra giải quyết. Sau khi ký hợp đồng, tháng 4-2008, những người thuê đất đưa máy móc vào san ủi gần 100 ha đất rừng thì bị phát hiện, khởi tố.

Tại tòa, cả năm bị cáo đều thừa nhận biết rõ Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú do Thủ tướng xác lập bằng Quyết định 791 năm 1996. Họ cũng biết chỉ có Thủ tướng mới có thẩm quyền cho phép tác động hay không tác động vào khu bảo tồn thiên nhiên này và họ chỉ có nhiệm vụ là quản lý, bảo vệ rừng. Thế nhưng họ vẫn bất chấp, lạm quyền cho thuê đất khiến rừng bị tàn phá nhằm lấy tiền chia nhau.

Nghiêm trọng hơn, trước đó năm 2007, Thạch từng bị UBND tỉnh Bình Thuận kỷ luật cảnh cáo trong thời hạn 12 tháng, Khôi bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh khiển trách vì tùy tiện ký hợp đồng cho thuê đất để trồng khoai mì. Thời hạn kỷ luật vẫn còn mà họ lại tiếp tục sai phạm.

Vi phạm đã được báo trước?

Tòa hỏi Thành về việc vì sao bỏ trốn khỏi địa phương khi vụ án vừa khởi tố, Thành khai việc này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của giám đốc Thạch để “lánh nạn”. Tuy nhiên sau khi xuống Cần Thơ, đọc báo thấy đưa tin mình đã ôm gần nửa tỷ đồng bỏ trốn trong khi thực tế số tiền trên đã được Thành “chia chác và ăn nhậu hết” nên Thành mới về trình diện cơ quan điều tra.

Tòa truy Thành đã ăn nhậu với ai và nhậu hết bao nhiêu tiền, Thành khai rõ: “Tôi cầm 180 triệu đồng ăn nhậu với nhiều người, trong đó có nhiều cán bộ sở. Khi đi “lánh nạn” theo lệnh của lãnh đạo, trong túi tôi chỉ còn có 46 triệu đồng”. (Sau đó, chủ tọa phiên tòa đã không truy thêm là Thành ăn nhậu với cán bộ nào, ở sở nào. Trong lời khai tại cơ quan điều tra, Thành cho biết trong vòng chưa đầy một tháng đã mời nhiều cán bộ đi ăn nhậu 15 lần với tổng số tiền 110 triệu đồng!)

Phiên tòa thật sự nóng khi đến phần thẩm vấn nguyên trưởng trạm bảo vệ rừng Trần Minh Đức. Đức khai đã ba lần phát hiện hàng chục người công khai đưa máy móc cơ giới trái phép vào rừng san ủi nhưng chỉ ghi vào sổ tay vì biết những người trên thông đồng với lãnh đạo khu bảo tồn. Đặc biệt, vào trung tuần tháng 2-2008, khi thấy rừng có dấu hiệu sắp bị phá, Đức đã trực tiếp báo cáo cho chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Vị lãnh đạo này hứa với Đức là sẽ làm rõ và nói “Để khi nào những người được thuê đất trồng khoai mì sẽ tính tiếp”!

Đức còn khai ngoài việc báo cáo trực tiếp cho chi cục trưởng như trên, Đức còn ba lần báo cáo cho giám đốc khu bảo tồn nhưng không có kết quả. Vì lãnh đạo không chỉ đạo ngăn chặn nên Đức cảm thấy “bị động và bất mãn”.

Nguyên giám đốc chối tội

Trong phần thẩm vấn nguyên giám đốc Thạch, bị cáo này đã liên tục kêu oan, nói mình... không biết gì về hợp đồng cho thuê đất trong phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt. Thạch khai đến tháng 5-2008 Thạch mới biết vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, khi tòa truy về việc Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam từng lập biên bản, tạm giữ một máy cày tại hiện trường vụ phá rừng từ ngày 28-4-2008 thì Thạch im bặt.

Trả lời về việc được Thành chia cho 30 triệu đồng, Thạch khai “Chỉ mượn của Thành 1.000 USD chứ không hề biết việc chia chác”. Sau khi sự việc bị đổ bể và Thành bỏ trốn, Thạch mang tiền đến trả cho vợ Thành nhưng vợ Thành từ chối nhận vì cho rằng đó là chuyện làm ăn riêng giữa hai người.

Bị cáo Thành được tòa gọi lên lần nữa. Thành tiếp tục khẳng định đã đưa cho Thạch 30 triệu đồng. Khi tòa hỏi ai quy định tỷ lệ ăn chia trong vụ tiêu cực này thì Thành khai Thạch nói chỉ nhận 25-30 triệu đồng, chia cho Khôi 52 triệu đồng, Việt 10 triệu đồng, còn bao nhiêu để giúp Thành xây nhà.

Hôm nay (13-5), phiên xử sẽ tiếp tục với phần tranh luận giữa kiểm sát viên và các luật sư bào chữa.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm