Bán bánh trung thu không nhãn mác sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, nhiều người sản xuất bánh Trung thu theo kiểu hộ gia đình, “handmade” nên thường không làm nhãn mác cho sản phẩm. Ngoài ra, có nhiều cá nhân sản xuất, kinh doanh không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều cá nhân buôn bán bánh trung thu không nhãn mác. Ảnh: NV

Tràn lan bánh trung thu không nhãn mác bán

Hiện một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều người chuyển sang phương thức mua bánh Trung thu online thông qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo....). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp buôn bán, kinh doanh những sản phẩm bánh trung thu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các trang mạng này.

Việc sử dụng những sản phẩm bánh Trung thu xuất xứ  không rõ ràng, không có nhãn mác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, nhất là tình hình phức tạp dịch bệnh như hiện nay, các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyến cáo, dù mua sản phẩm ở đâu, sản phẩm nào theo hình thức nào thì người tiêu dùng cũng cần chú ý sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo, khi mua sản bánh trung thu cần chú ý: sản phẩm cũng phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, không có mùi khác lạ…

Tuyệt đối không nên lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.

Bán bánh Trung thu “handmade” coi chừng bị phạt

Việc kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Luật sư Trần Vân Linh, Đoàn luật sư TP.HCM: Những người kinh doanh bánh trung thu không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác sẽ có 2 vi phạm:

Thứ nhất, là vi phạm do hàng hoá không có nhãn mác. Theo đó, tại Điều 9 Nghị định 43/2017/ NĐ-CP ngày 14/4/2017 quy định về Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa; Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

Đối với bánh Trung thu là loại mặt hàng không quy định là loại hàng hoá không phải ghi nhãn mác. Do đó, việc kinh doanh hàng hoá không nhãn mác sẽ bị xử phạt Vi phạm hành chính  theo khoản 4 Điều 31 của nghị định 119/2017/ND - CP về Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.

Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa….thì bị phạt từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng tuỳ vào giá trị hàng hoá vi phạm.

Thứ hai, là vi phạm do hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ: Theo quy định của Nghị định 124/2015/NĐ - CP bổ sung  Nghị định 185/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định về hàng  hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Theo đó, hành vi buôn bán bánh Trung thu không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “ Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ” với hình thức phạt Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng tuỳ vào giá trị hàng hoá vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm