Bộ NN&PTNT kiểm tra nhiều điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM

Ngày 13-1, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu phối hợp với Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y đã lập tổ kiểm tra, làm việc về công tác ATTP dịp Tết nguyên đán 2022 tại TP.HCM.                             

Đoàn công tác kiểm tra các vựa kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Lập nhiều đoàn kiểm tra các mặt hàng thực phẩm

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết, dịp Tết nguyên đán 2022, Ban đã thành lập 11 đoàn kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM.

Các đoàn kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Theo đó, đoàn tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đồ uống có cồn. 

“Công tác bảo đảm ATTP được thực hiện xuyên suốt trong năm, dịp Tết sẽ tập trung nhiều hơn vì dịp Tết lượng thực phẩm tiêu thụ rất lớn. Một trong những chỉ đạo của Trung ương là bảo đảm không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết, đặc biệt là ngộ độc bia rượu. Theo ghi nhận, trong thời gian qua, trên địa bàn TP đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người, do đó chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn các điểm kinh doanh bia rượu, những điểm sản xuất rượu thủ công”- Bà Lan nói.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: chúng ta cần phải tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ nguồn gốc của các loại hàng hóa khi nhập vào chợ trong dịp tết cổ truyền  để đảm bảo vệ sinh ATTP cũng như cung ứng đầy đủ nguồn thực phẩm phục vụ cho người dân trong dịp Tết.

Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền các mô hình sản xuất kinh doanh, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương…Bên cạnh đó, cũng cần tập trung phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 bằng cách tuân thủ 5K trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

“Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn cung cho người dân. Ngoài ra, Tết năm nay chúng ta cũng phải đảm bảo 5K tốt.  Hiện nay, dịch bệnh vẫn có chiều hướng lan rộng ở nhiều nơi, vì vậy, công tác phòng chống dịch vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Ở các chợ, bao bì, nhãn mác thực phẩm cũng có thể gây lây nhiễm SARS-CoV-2”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Doanh nghiệp đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ gia tăng việc sản xuất. Mặc dù gia tăng số lượng sản phẩm nhưng các doanh nghiệp vẫn đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết: Trong dịp Tết, công ty đã có kế hoạch chuẩn bị lượng thực phẩm đầy đủ để cung ứng cho phục vụ thị trường, chúng tôi cam kết không tăng giá hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vấn đề ATTP là tiêu chí mà công ty đặt lên hàng đầu.

APT tăng cường sản xuất thực phẩm trong dịp Tết. Ảnh: TT

“Quy trình sản xuất của APT được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm đúng quy trình quản lý chất lượng GMP, SSOP, HACCP, BRCS, Vietgap. Đảm bảo đủ điều kiện sản xuất qua các đợt kiểm tra định kỳ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (NAFIQAD). Đảm bảo thực hiện và duy trì đảm bảo công tác quản lý chất lượng đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố APT đang sở hữu một số code xuất khẩu vào các thị trường như EU, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Đông,…” Ông Dũng chia sẻ.

Đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết: Dịp tết Nguyên đán 2022 công ty cam kết không tăng giá hàng hóa thời gian hai tháng trước, trong và sau Tết (một tháng trước Tết và một tháng sau tết). Các cửa hàng phân phối của công ty đạt chuẩn cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty đã tăng cường đội ngũ nhân viên giám sát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, kịp thời giải quyết mọi phát sinh, thắc mắc của khách hàng trong những ngày cao điểm cuối năm.

Kiểm tra đột xuất tại chợ Bình Điền

Rạng sáng 13-1, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đến kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền. 

Theo đó, đoàn kiểm tra các vựa kinh doanh tại chợ Bình Điền và trao đổi với các tiểu thương về việc kiểm soát nguồn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, ATTP. Đồng thời, trao đổi về cách phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ về những khó khăn còn tồn tại ở chợ Bình Điền, Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết: hiện nay một số hàng hóa từ các tỉnh nhập về chợ chưa được kiểm tra, kiểm soát từ gốc, hàng hóa chưa được sơ chế tại nguồn, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, hiện nay các chợ tự phát, đặc biệt điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường trên đường Quản Trọng Linh vẫn chưa giải tỏa triệt để, hàng hóa kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm