Dùng nguồn nước ô nhiễm: Sức khỏe sẽ ảnh hưởng ra sao?

Hiện nay, còn rất nhiều hộ dân còn sử dụng nguồn nước tự khai thác (nước giếng khoan, giếng đào,…). Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước này xảy ra rất nhiều. Đây là mối lo lắng của không ít người dân.

Khổ sở vì sử dụng nước ô nhiễm

Nước đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người. Thế nhưng, hiện nay có nhiều nơi nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Không ít những hộ dân phải than “trời” vì nước nơi họ sống nguồn nước bị ô nhiễm.

Một số người dân cho rằng kênh rạch ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước giếng họ sử dụng. Ảnh: NC

Ông Trần Ngọc Phương (sống trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP.HCM) tâm tư “chúng tôi sống ở đây một thời gian cũng đã lâu. Tại đây, gần 50 hộ dân vẫn phải sử dụng nước giếng do chưa có nước máy để sử dụng. Cạnh nơi chúng tôi ở có một con kênh bị ô nhiễm, có thể vì vậy mà nguồn nước nơi này cũng ô nhiễm theo.

Nhiều người ở đây không có điều kiện mua nước “sạch” để nấu ăn thì cũng phải chịu nấu nướng, sinh hoạt bằng nguồn nước này. Về lâu về dài chúng tôi rất lo lắng đến sức khỏe”, ông Phương chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm trên, ông LVN (quận 12, TP.HCM) cũng tâm tư, chúng tôi rất lo lắng về sức khỏe vì nguồn nước nơi chúng tôi sống hay có cặn, thỉnh thoảng lại có mùi hôi. Nguồn nước bị như thế có thể một phần do ảnh hưởng của lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý.

Nguy cơ gây bệnh từ nguồn nước ô nhiễm

Nhiều cơ quan chức năng đã cảnh báo về sự nguy hiểm của nước giếng khoan bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Theo đó, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM trước đây có công bố, kết quả giám sát 8 tháng về chất lượng nước giếng khoan tại tại một số quận, huyện ở địa bàn TP có nhiều chất tồn đọng trong nước có khả năng gây một số bệnh cho người dùng như: Làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu, một số bệnh ngoài da,…

Theo một số chuyên gia, các chỉ tiêu sắt, mangan có trong nước ở một số nơi mà người dân sinh hoạt đều vượt quy chuẩn cho phép. Theo đó, hàm lượng quá cao của sắt và mangan trong nước sẽ gây khó tiêu, giảm hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, đặc biệt không có lợi đối với trẻ em”.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, có những nơi nước giếng rất tốt. Tuy nhiên, có những nơi nước giếng bị ô nhiễm, chứa những loại kim loại nặng. Nếu người dân sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cụ thể, có thể bị nhiễm E.Coli gây tiêu chảy, còi xương,…. Vì vậy, những nơi sử dụng nước giếng thì sau khi đào nên kiểm tra nguồn nước nơi đó có độc hại hay không…”.

Chính vì thế, ngành y tế khuyến cáo người dân nên: Khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước sạch được cung cấp, các hộ dân đã có đồng hồ nước nên lấp giếng để bảo vệ tầng nước ngầm; Người dân sử dụng nước qua bồn chứa: cần có chế độ súc xả bồn chứa nước hộ gia đình định kỳ 3-6 tháng/lần; Người dân khi phát hiện các bất thường trong nguồn nước cần liên hệ với trạm y tế phường xã để được hướng dẫn. Để xét nghiệm chất lượng nước đang sử dụng;...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm