Bán cà phê hóa chất có thể bị phạt đến 120 triệu đồng

Kinh sợ với cách chế biến cà phê giả

Thời gian gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở chế biến cà phê chế biến nhiều nguyên liệu như đậu nành, bắp, đường,…và có cả hóa chất. Điển hình là ngày 12-1 vừa qua cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra cơ sở chế biến cà phê của ông Nguyễn Kim Thơ ở TP Phan Thiết và phát hiện cơ sở này đang dùng hàng tấn đậu nành đã được rang cháy đen và hàng ngàn lít hóa chất không nhãn mác, không rõ nguồn gốc để tạo ra cà phê bột bán ra thị trường. Quy trình sản xuất được làm bằng cách dùng cà phê trộn với đậu nành sau khi rang xong, sau đó tiến hành tẩm ướp với caramel, hương vani, hương cà phê, bơ và muối để tạo màu, mùi và vị đắng cho cà phê sau đó đem xay thành bột, đóng gói.

Một số nơi rang đậu nành hoặc bắp cháy khét để làm giả cà phê. Ảnh: Internet

Một số nơi khác còn dùng bắp rang cháy khét để chế biến thành cà phê. Khi dùng bắp và đậu nành rang cháy khét sẽ sản sinh ra nhiều chất độc hại như eterocyclic amines, acrylamide,… những chất này có khả năng gây ra ung thư cho người sử dụng. Bên cạnh đó dùng các phụ gia vượt mức sẽ gây ảnh hưởng đến thận, gan và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Mặc dù là chế biến cà phê bằng đậu nành, bắp,… nhưng nhiều cơ sở lại ghi trên nhãn mác là “cà phê nguyên chất” để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều cơ chế biến cà phê “dỏm” thường sử dụng công cụ để rang, chế biến một cách thô sơ, không vệ sinh.

Cách xử lý người sản xuất cà phê “dỏm”

Theo luật sư Lê Văn Hoan, nếu người sản xuất cà phê nhưng nguyên liệu, thành phần hoàn toàn không có cà phê là hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm thì bị xử lý hình sự theo Điều 157 BLHS. Khung hình phạt của tội này thấp nhất là hai năm, cao nhất là tử hình (Theo khoản 4 Điều 193 BLHS 2015 thì khung hình phạt cao nhất là chung thân). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Cơ quan chức năng bắt một cơ sở sản xuất cà phê "dỏm". Ảnh: Internet

Trường hợp nguyên liệu đầu vào có cà phê nhưng:

- Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; thì bị xử phạt với mức cao nhất là 120 triệu đồng (quy định tại Điều 12 Nghị định 185/2013)

Ngoài ra, theo Điều 157, quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù 2-7 năm.

Nhận biết cà phê “dỏm”

Mùi của bột cà phê: Cà phê nguyên chất có mùi thơm rất dễ chịu, hấp dẫn và rất đặc trưng của bột cà phê Còn cà phê làm bằng bột bắp và đậu nành có mùi hơi tanh.

Độ ẩm của bột cà phê: Bột các loại ngũ cốc khác thường giữ nước và có độ ẩm cao hơn cà phê nguyên chất. Bột cà phê nguyên chất ít ngậm nước, không có nhiều độ ẩm.

Màu nước cà phê: Cà phê nguyên chất luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng.

Bọt cà phê: Nếu bọt mỏng, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả ly và rất lâu tan nhìn ly cà phê có vẻ khá đẹp thì có thể đây là cà phê “dỏm”.

Vị cà phê: Cà phê khi rang với thời gian đủ và đạt đến nhiệt độ thích hợp sẽ có vị đắng thanh xen lẫn vị chua nhẹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm