Bảo quản thực phẩm ngày tết sao cho an toàn

Những năm gần đây, dù các chợ, siêu thị mở cửa xuyên suốt nhưng với tâm lý nhà cửa phải đủ thức ăn cho ngày tết sung túc nên người dân vẫn chọn cách trữ đủ thức ăn cho mùa tết.

Tuy nhiên việc trữ thức ăn không đúng cách có thể gây ra những nguy cơ như làm mất chất dinh dưỡng, nhiễm độc chéo, ngộ độc thực phẩm... Viện dinh dưỡng quốc gia đã chỉ ra các cách bảo cho từng loại thực phẩm khác nhau.

Bánh chưng, bánh tét: Đây là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về của những gia đình Việt. Song theo Viện dinh dưỡng, nhiều người dân thường quan niệm, bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng). Tuy nhiên, do thời tiết ở nước ta nóng ẩm, dịp tết thường có nắng nên bánh rất nhanh thiu, mốc. Do đó bánh chưng nên bảo quản trong ngăn mát ở nhiệt độ 5-10 độ C. Ngoài ra, với các bánh ăn không hết cần nên dùng màng che thực phẩm hoặc hộp đựng kín. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tốt nhất người dân nên ăn đến đâu thì cắt đến đó, để tránh lãnh phí và bảo quản bánh dư được tốt hơn.

Bánh chưng cần được bảo quản trong tủ lạnh, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Ảnh: Internet

“Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hằng ngày không có lợi cho sức khỏe” -  viện lưu ý.

Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua, người dân không nên sử dụng, tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Giò, chả: Giò lụa với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để lâu được. Giò lụa không được sử dụng hàn the vì nó không tốt cho sức khỏe, cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là giống nhau, để ở nhiệt độ thường dưới 25 độ C. Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá, nếu bạn đã lỡ mua quá nhiều.

Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ. Nếu muốn sử dụng ngay, thì rã đông nhanh bằng cách bọc giò lụa vào bọc nylon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, do chúng ta thường chỉ mua lượng vừa đủ ăn trong vòng một tuần nên không nhất thiết phải bảo quản giò trong ngăn đá hoặc tủ đông bởi quá trình rã đông sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng.

Với giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản nên để vào ngăn mát tủ lạnh.

Dưa hành: Nên bảo quản ở nơi thoáng mát, khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa hành ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng, sau đó bóc vỏ ngoài, lấy phần dưa hành trắng nõn để ăn.

Dưa hành nên bảo quản ở nơi thoáng mát. Ảnh: Internet

Thực phẩm đã nấu chín khác:

Không nên để món ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết. Viện dinh dưỡng quốc gia lý giải vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit - chất gây ung thư, cho dù là bạn có đun lại đi chăng nữa cũng không thể khử được. Do đó không nên ăn các món rau đã để qua đêm.

Bên cạnh đó những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ.

Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm