Bị gout, kiêng cữ ăn uống trong ngày Tết ra sao?

Theo các chuyên gia, bệnh gout hình thành do quá trình bài tiết uric gặp trở ngại, hoặc do cơ thể sản xuất quá nhiều acid uric, dẫn đến nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Do đó tiệc tùng ngày Tết luôn là nỗi lo của những bệnh nhân mắc bệnh gout, bởi họ có thể nạp vào cơ thể nhiều thực phẩm giàu đạm và các chất kích thích như bia, rượu.

Để không bị ảnh hưởng tới sức khỏe, người bị bệnh gout cẩn trọng trong việc tiêu thụ thực phẩm. Thông tin từ Viện dinh dưỡng quốc gia cho hay sau một bữa tiệc rượu, bia và nhiều loại thịt các loại, các loại nước xương hầm có thể làm khởi phát một đợt cấp, khiến các khớp gối của người bệnh Gout mạn đau, sưng tấy; điều này khiến việc đi lại khó khăn trong những ngày Tết.

Người bị gout nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đạm có nguồn gốc từ động vật và thủy hải sản. Ảnh: Internet

Để phòng ngừa đợt cấp tiến triển này, Viện dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, người bệnh Gout nên hạn chế dùng nhiều bia, rượu, ăn một lượng vừa phải chất đạm có nguồn gốc động vật, thủy hải sản. Đặc biệt các loại nước dùng chế biến từ xương, thịt hầm, hoặc tạng phủ, lòng động vật... chỉ nên ăn vừa phải vì nhân Purin trong thực phẩm sẽ hòa tan vào nước, làm tăng lượng purin trong chế độ ăn. 

Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh gout mãn tính cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi và các loại rau củ. Viện dinh dưỡng cũng đưa ra khuyến cáo, để bệnh gout không tái phát vào dịp tết, người bệnh cần uống thật nhiều nước để ngăn ngừa sỏi thận, vì khi mắc bệnh gout dễ dẫn đến mắc sỏi thận.

Một điều đáng lưu tâm với những người bị gout chính là cần phải giữ ấm cơ thể. Nhiệt độ lạnh là nguyên nhân khiến các cơn đau gút cấp gia tăng. Do đó, người bệnh nên có biện pháp giữ ấm cơ thể, ngay cả khi không ra ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm