Cách đơn giản để kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe thật và giả

Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội, website quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng như thần dược là rất phổ biến, điều này lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp còn sử dụng hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế,…để quảng cáo.

Hiện nay, trên nhiều trang trang mạng xã hội "thổi phồng" công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa

Những hành vi quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo,… sẽ bị xử phạt.

Trên thực tế, mặc dù cơ quan chức năng đã có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp quảng cáo sai sự thật, nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra. Nhiều quảng cáo “quá lố” thực phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe khiến người tiêu dùng tin theo, dẫn tới nhiều hậu quả khó lường cho sức khỏe người dùng.

Theo BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, hiện nay có tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật. Có một số trường hợp bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, khi người tiêu dùng sử dụng những thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Những thực phẩm được quảng cáo các trang mạng xã hội, không rõ nguồn gốc, xuất xứ người tiêu dùng không nên sử dụng. Đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, khi người bệnh sử dụng sẽ không có tác dụng, đôi khi còn có hại cho sức khỏe. Theo tôi, trường hợp muốn sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên tham khảo ý kiến bác sĩ sẽ an toàn cho người bệnh và giúp việc điều trị hiệu quả hơn, tránh tình trạng gây hại cho sức khỏe”, BS Vui chia sẻ.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức, gọi điện thoại cho người tiêu dùng, online rất phổ biến. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán cố định, không có hóa đơn bán hàng, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, vì vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với những hành vi sau:

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, nhân viên y tế, bài viết của bác sĩ, dược sĩ,…

Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm, nhằm giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/  trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Đồng thời, xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất  sản phẩm rõ ràng.

Mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm