Giả thương hiệu gạo sẽ bị xử lý ra sao?

Thời gian qua, sản phẩm gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống lúa và gạo ST24, ST25 đã bị nhiều đơn vị làm giả.

 Sản phẩm gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua liên tục bị làm giả. Ảnh: NV

Năm 2019, tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới diễn ra ở Philippines, gạo ST25 đã giành được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới. Năm 2020, gạo ST25 tiếp tục giành được giải nhì tại cuộc thi này.

Nhãn hiệu liên tục bị làm giả

Vừa qua, gia đình ông Hồ Quang Cua, tác giả chính của giống lúa và gạo ST24, ST25 đã có đơn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị vào cuộc hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25.

Ngày 22-12, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Hồ Quang Cua. Sau khi nhận được đơn của gia đình ông Cua, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc chủ động rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung doanh nghiệp phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý của Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.

Trao đổi với PLO, ông Hồ Quang Cua cho biết, trên thị trường hiện nay liên tục xuất hiện tình trạng nhái thương hiệu gạo ST25. Thông tin bị làm giả thương hiệu gạo cũng đã được phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Cũng theo ông Cua, hiện nay ông cố gắng củng cố kỹ thuật để sản phẩm ngày càng chất lượng hơn, mong sao các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo của ông.

Ông Hồ Quang Trí, con trai ông Hồ Quang Cua, cũng cho biết: nhằm ngăn chặn hàng giả, doanh nghiệp này đã liên tục thay đổi bao bì. Nhưng chỉ mới thay đổi bao bì được một tháng đã bị các đối tượng làm giả y hệt. Sau đó, doanh nghiệp cũng đã làm tem số nhảy để khách hàng dễ dàng phân biệt hàng thật với hàng giả.

Xử lý nặng với hành vi giả mạo thương hiệu

Liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Nghị định 98/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định:

Trường hợp giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác,… sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tùy từng hành vi mà người vi phạm vi phạm tiêu chí hàng giả nào thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với chế tài phạt hành chính quy định tại các Điều 11 (Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa), Điều 12 (Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa), Điều 13 (Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả ) và Điều 14 (Hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả).

Trường hợp vượt quá mức xử phạt hành chính thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Các trường hợp có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp này, bao gồm:

Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 BLHS hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội nêu trên, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm