Hiểm họa ngộ độc rượu trong dịp cuối năm

Ngộ độc rượu có nguy cơ gia tăng dịp cuối năm

Càng vào gần tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu thụ rượu, bia ngày một cao. Nhiều cơ sở kinh doanh rượu bia vì lợi nhuận đã sản xuất, phân phối các loại rượu không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, từ đó tăng nguy cơ bị ngộ độc rượu.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộc độc rượu như Uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol, hay uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt, cây…), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác…) có chất độc.

Sử dụng rượu không rõ nguồn gốc làm gia tăng tình trạng ngộ độc rượu. Ảnh: Tú Uyên

Thống kê của Cục An toàn Thực phẩm cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2018 cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Phần lớn số người chết kể trên là do ngộ độc rượu. Con số thống kê trên của Cục An toàn Thực phẩm mới là sơ bộ và đó là những trường hợp được báo cáo, có nhập viện. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp ngộ độc do rượu bia ở không ít địa phương do chưa báo cáo, hay mức độ nhẹ chưa được công bố.

Một số vụ nghiêm trọng đã xảy ra trong năm như vụ 3 người chết tại Nghệ An do uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại (tháng 3/2018); vụ 4 người chết tại Quảng Nam sau khi uống rượu từ lò tự nấu (tháng 3/2018); tháng 9/2018 tại Nghệ An tiếp tục có 1 ca tử vong vì uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại… rất nhiều nạn nhân khác đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng do rượu gây ra.

Trong các ca ngộ độc rượu, phổ biến nhất là ngộ độc Methanol. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cho biết, hàm lượng Methanol trong rượu thủ công tự nấu không cao, nhưng với những đối tượng nghiện rượu uống liên tục nhiều giờ đồng hồ, từ ngày này sang ngày khác cũng có thể bị ngộ độc Methanol.  

Ngoài ra, để tăng độ đậm của rượu, một số người đã tự ý pha một lượng nhỏ cồn công nghiệp dùng để sản xuất ép xăng (gọi tắt là cồn ép xăng) khiến hàm lượng Methanol trong rượu tăng cao lên rất nhiều, do đó gây ngộ độc Methanol cho người uống. Cần phải biết thêm rằng, loại cồn ép xăng có giá bán cực kỳ rẻ, vấn đề quản lý cũng hết sức lỏng lẻo, khác với loại cồn Methanol có nồng độ lên đến 99,8%, được nhập khẩu và bán với giá rất cao và được quản lý khá chặt chẽ. Loại cồn này không được pha vào rượu, nếu pha vào rượu sẽ gây tử vong cho người uống. 

Theo các chuyên gia y tế, độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.

Theo đó, Cục cũng đưa ra các khuyến cáo để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Ngăn chặn rượu nhập lậu

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc rượu vào dịp lễ Tết, dịp đầu xuân, Cục An toàn thực phẩm đang đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra xử lý các loại rượu không nhãn mác, gian lận thương mại. Cụ thể từ ngày 1/1/2019, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) nói chung và rượu nói riêng sẽ ra quân kiểm tra ATTP dịp Tết nguyên đán.

Tuy hiên trên thực tế, tình hình buôn lậu, buôn bán rượu, bia không có nguồn gốc diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Đặc biệt là tình trạng rượu nhập lậu không hóa đơn chứng từ. Ngoài ra vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao, số lượng rượu giả, rượu lậu theo con đường “xách tay” vào thị trường tăng lên đáng kể.

Mới đây ngày 30.12, thông tin từ Đội quản lý thị trường số 1 (Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long) cho biết, cơ quan này vừa hoàn tất công việc kiểm kê, lập biên bản và niêm phong tạm giữ hơn 3000 chai rượu ngoại vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Những chai rượu này có thương hiệu: Prosecco, Sauvignon Blanc, Cabernet Sauvignon…Ngoài ra, còn có 20 bao đậu xanh có xuất xứ từ Trung Quốc và ba kiện hàng gia vị.

Hơn 3000 chai rượu ngoại nhập lậu bị cơ quan quản lý thu giữ vì không có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Zing

Trước đó, tối 29.12, Đội quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long bất ngờ kiểm tra xe ôtô tải BKS 66S-2178 khi đang lưu thông trên quốc lộ 80 (đoạn thuộc xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Tại thời điểm kiểm tra, tất cả các loại hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tài xế Lư Thiếu Ngọc (SN 1981, ngụ xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) khai nhận số hàng trên đang trên đường vận chuyển từ TPHCM về Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tiêu thụ thì bị kiểm tra.

Trước đó vào ngày 02.10, Đội Quản lý thị trường số 7 (Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng) phối hợp với lực lượng CSGT, phát hiện xe đầu kéo container biển số tỉnh Bắc Giang lưu thông trên đường tránh Nam Hải Vân (huyện Hòa Vang) chở 252 chai rượu ngoại loại 750ml nhập lậu. Theo đó toàn bộ số rượu này là của một nhãn hàng nổi tiếng, song không có tem nhập khẩu và hóa đơn chứng từ. Tổng giá trị lô hàng gần 443 triệu đồng. Tài xế cho biết số hàng trên được vận chuyển từ Thừa Thiên - Huế vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để tiêu thụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm