Ngộ độc cấp vì ăn hàu sống

Ăn hàu sống bị ngộ độc thực phẩm do virus norovirus gây ra. Ảnh: Internet

Theo cơ sở y tế địa phương, các bác sĩ cho rằng việc ăn hàu sống đã khiến các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do virus norovirus gây ra.

Theo thống kê, hằng năm có hơn 267 triệu người nhiễm norovirus trên toàn thế giới. Hiện nay norovirus được phân thành năm nhóm khác nhau: Từ GI đến GV. Norovirus ở người thuộc nhóm GI, GII và GIV nhưng hầu hết các chủng gây bệnh ở người đều thuộc nhóm GI và GII.

Norovirus (NoVs) được coi là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ em và người lớn. Con đường truyền nhiễm chính của loại virus này là qua thực phẩm, nước, không khí và lan truyền từ người sang người.

Triệu chứng chung của bệnh do NoVs là nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức các bắp cơ, sốt nhẹ và nóng lạnh. Trong đó, trẻ em thường nôn mửa nhiều hơn người lớn. Thậm chí, thực phẩm nấu chín rồi nhưng bát đĩa, nồi xong mà không hợp vệ sinh thì cũng là nơi nảy nở sinh sôi, truyền nhiễm virus này.

Các triệu chứng thường bắt đầu tăng đột ngột trong vòng 12-48 giờ sau khi phơi nhiễm với NoVs. Hiện không có thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa loại virus này. Do đó, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách vệ sinh trong chế biến, ăn uống thực phẩm. Thực hiện ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn hợp vệ sinh...

Với hải sản, đa số cách chế biến là nấu, nướng chín nhưng vẫn có loại ăn sống như hàu. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh-Y tế công cộng TP.HCM, năm mẫu hàu sống thì có tới bốn mẫu nhiễm norovirus.

Hàu là loại hải sản mang lại nhiều dinh dưỡng nếu ăn đúng cách. Ảnh: Internet

Mặc dù thịt hàu mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng ăn hàu không đúng cách, đặc biệt là ăn hàu sống nhiễm khuẩn, sẽ khiến người tiêu dùng rước bệnh vào người.

Do hàu sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu, ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển... nên khó tránh khỏi tình trạng bị ô nhiễm.

Ngoài NoVs, trong hàu còn có vi khuẩn Vibrio, một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu.

Một nghiên cứu mới đây được đăng trên bản tin Eurosurveillance của Pháp cũng khẳng định ăn nhiều hàu sống có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày ruột non do NoVs gây ra, nhất là với những người có hệ miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh mạn tính.

Vì vậy, cần tránh và hạn chế ăn hàu sống/tái, tốt nhất nên nấu chín đến khi hàu mở vỏ ra, nếu không mở thì nên bỏ đi sau khi nấu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và nên mua hàu ở những cửa hàng hải sản uy tín.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm