Ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì nhiễm khuẩn Salmonella

Theo đó, sáng 5-12, bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, xác nhận vụ 215 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì vỉa hè là do nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và các mẫu thực phẩm gồm thịt heo, giò chả, nước sốt, bơ, hành phi tại quán bánh mì Cô Dung (TP Buôn Ma Thuột) đều nhiễm vi khuẩn đường ruột Salmonella.

Trước đó, sau khi ăn bánh mì tại quán bánh mì Cô Dung ở ngã tư Hoàng Diệu - Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột) chiều tối 27-11, nhiều người dân đã phải nhập viện cấp cứu do đau bụng, nôn ói, sốt… Số bệnh nhân tăng lên từng ngày và đến nay đã có 215 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Các bệnh nhân nằm điều trị tại BV đa khoa Thiện Hạnh (127 người), BV TP Buôn Ma Thuột (34 người), BV đa khoa vùng Tây Nguyên (29 người), BV Công an tỉnh Đắk Lắk (tám người), BV Đại học Tây Nguyên (bảy người), BV đa khoa Cao Nguyên (10 người).

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết Salmonella là một loại vi khuẩn cấm kỵ trong thực phẩm, khi vào cơ thể sẽ trực tiếp gây bệnh và ngộ độc cao.

Theo đó, người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella do ăn thực phẩm (các loại thịt động vật, cá, tôm…), ngay cả các loại thực phẩm chế biến sẵn, hoặc uống nước hoặc sữa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Thực phẩm bị nhiễm Salmonella bởi bản thân thực phẩm hoặc dụng cụ dùng chế biến thực phẩm bị nhiễm Salmonella. Tay người chế biến thực phẩm bị lây nhiễm từ thực phẩm nhiễm Salmonella, chạm hoặc tay bất kỳ người nào chạm vào miệng sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn Salmonella (gà, vịt, heo, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như rắn, thằn lằn và rùa).

Khi con người ăn phải thực phẩm nhiễm Salmonella sẽ gây ra các bệnh đường ruột và ngộ độc thực phẩm, nếu nặng có thể gây tử vong.

PGS Thịnh cho hay vi khuẩn này xuất hiện nhiều trong thịt. Tuy nhiên, vi khuẩn này sẽ bị chết ở nhiệt độ cao. Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn này rất dễ bị lây nhiễm chéo. Ông lấy ví dụ như từ vi khuẩn bám trong thịt có thể lây sang các đồ dùng khác, thậm chí tay người nấu nướng. Nếu đồ dùng, các thực phẩm khác đã nấu chín mà có khuẩn Salmonella thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Cần đeo găng tay và bảo quản thực phẩm đúng cách khi chế biến thức ăn. Ảnh: Internet

Để tránh lây nhiễm và ngộ độc do Salmonella và các triệu chứng đi kèm, PGS Thịnh đưa ra lời khuyên, người dùng cần:

- Rửa sạch và kỹ thực phẩm bằng nước sạch trước khi chế biến.

- Nấu chín thực phẩm, tránh ăn sống, tái.

- Xử lý thức ăn đúng cách. Nấu thức ăn đến nhiệt độ được khuyến cáo và làm lạnh ngay đồ ăn để lại.

- Lau sạch vùng bếp trước và sau khi chuẩn bị thực phẩm có nguy cơ cao. Rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.

- Rửa tay và các dụng cụ chế biến thực phẩm đúng cách.
- Nếu tiếp xúc với chuồng trại, vật nuôi, cần đeo găng tay và rửa tay thật sạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm